Bạn sẽ làm gì khi một ngày trong tài khoản ngân hàng của bạn có một số tiền lớn từ một tài khoản lạ gửi đến? Một câu chuyện có thật từ một thanh niên tên N tại thành phố Hồ Chí Minh, sau khi ngân hàng chuyển nhầm số tiền 4,6 tỉ đồng, qua 173 lần giao dịch và rút hơn 1,3 tỉ đồng với mục đích tiêu xài, N đã bị bắt và đứng trước vành móng ngựa về hành vi phạm tội của mình theo bộ luật hình sự 2015. Vậy hành vi trên thuộc tội danh gì?
Căn cứ:
- Bộ luật hình sự 2015
Nội dung tư vấn
Tất cả đều chúng ta biết thẻ ATM của mỗi người khi đăng kí bắt buộc phải có chứng minh nhân dân hoặc các thông tin về nhân thân người đăng kí. Dù bạn che dấu bằng cách nào thì pháp luật cũng vẫn có cách để tìm ra bạn nếu bạn có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi ở ví dụ cụ thể trên với việc thực hiện 173 lần giao dịch với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng trên các cây rút tiền khác nhau vẫn không thể làm khó cơ quan chức năng. Thế mới nói, “lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó thoát” là thế.
Mức xử phạt khi vi phạm?
Quay lại vấn đề, như ví dụ ở phần dẫn, tài sản ở đây là tiền mặt trị giá lên đến 4,6 tỷ đồng do ngân hàng chuyển nhầm, đối với việc biết là tài sản đó không phải của mình nhưng N cố tình vi phạm, không trả lại cho ngân hàng, chiếm hữu trái phép thì N sẽ bị phạt tù tối đa lên đến 5 năm theo Điều 176 bộ luật hình sự 2015:
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Việc tiếp tục sử dụng hơn 1,3 tỷ đồng trái phép cho mục đích tiêu xài không thuộc sở hữu của N có khả năng cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 177 bộ luật hình sự 2015, theo đó mức án cao nhất mà N phải chịu là 7 năm tù:
Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tài sản là bảo vật quốc gia;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là các mức án phạt cho hành vi sử dụng trái phép tài sản không phải là của mình. Thấy của rơi hãy trả lại cho người mất chứ đừng để thấy của rơi rồi tạm thời đút túi “7 năm tù”…
Mong bài viết hữu ích cho bạn đọc.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay