Tự ý thôi việc có trái pháp luật

bởi Hoàng Hà

Trong nhịp sống kinh tế hiện nay, hiện tượng nhảy việc đang rất phổ biến. Tìm một công việc mới phù hợp hơn với bản thân hay chuyển tới một môi trường làm việc mới tốt hơn không phải là điều sai trái. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người lao động rất dễ mắc sai lầm dẫn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động một cách trái pháp luật. Qua đó, đánh mất đi những quyền lợi của mình một cách đáng tiếc. Vì vậy, người lao động cần phải nắm rõ những quy định pháp luật để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình khi muốn nghỉ việc.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Sẽ chẳng có vấn đề gì khi cả người lao động và người sử dụng lao động tìm được tiếng nói chung nhằm chấm dứt công việc hiện tại. Tuy nhiên, đôi lúc mọi thứ lại không suôn sẻ như vậy. Khi một người lao động muốn nghỉ việc nhưng người sử dụng lao động lại không chấp thuận vì nhiều lý lẽ khác nhau. Pháp luật hiện hành quy định cho phép người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là xuất phát từ ý chí của người lao động khi muốn chấm dứt công việc hiện tại và không phụ thuộc vào ý chí, quyết định từ phía người sử dụng lao động. Cụ thể tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2012 quy định rằng:

 

1. Người lao động có các quyền sau đây:

….

d) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;

Như vậy, pháp luật cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi thuộc những trường hợp và điều kiện theo quy định của pháp luật. Hợp đồng lao động được chia làm 3 loại chính đó là hợp đồng có xác định thời hạn, hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng thời vụ, do mỗi loại hợp đồng có những đặc điểm riêng biệt nên điều kiện để được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng khác nhau.  Theo đó tại Điều 37 Bộ luật lao động 2012 phân định thành 2 nhóm hợp đồng như sau:

Đối với những trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng thời vụ thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn là hợp pháp nếu thuộc các trường hợp sau:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

Như vậy có thể thấy rằng, dù thực tế có rất nhiều lý do để một người lao động đưa ra quyết định nghỉ việc, tuy nhiên chỉ có một vài lý do được nêu ở trên là được pháp luật công nhận là lý do chính đáng để được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Những lý do kể trên cũng được quy định dựa trên nguyên tắc của bộ luật lao động khi nó được quy định mang thiên hướng bảo vệ người lao động

Mặc dù được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp, tuy nhiêm, người lao động cũng phải tuân thủ những quy định về thời hạn tối thiểu phải báo trước tới người sử dụng lao động biết về quyết định thôi việc của mình. Cụ thể tại Khoản 2 Điều 37 quy định về thời hạn tối thiểu đó như sau:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Vì hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ không có thỏa thuận về thời điểm công việc của người lao động được chấm dứt. Do đó, khi người lao động đang làm việc theo một hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần thiết phải có những lý do chính đang đáng như đối với 2 loại hợp đồng lao động đã nêu ở trên. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của những người lao động thuộc loại này sẽ chỉ cần phải tuân thủ về thời hạn tối thiểu phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất là 45 ngày. 

Nếu những trường hợp người lao động tự ý thôi việc mà không thuộc 2 nhóm trường hợp nêu trên thì đều được coi là trái phái luật. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ làm ảnh hưởng đến những quyền lợi của người lao động, thậm trí đôi khi có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc

2. Hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Việc nghỉ việc của người lao động sẽ gây ra sự xáo trộn trong cơ cấu nhân sự. Nếu phía người sử dụng lao động không được thông báo trước trong một khoảng thời gian hợp lý để chuẩn bị phương án nhân sự thay thế thì sẽ có thể làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Vì vậy, đối với những trường hợp tự ý thôi việc trái pháp luật thì sẽ phải gánh chịu những nghĩa vụ như sau tại Điều 43 Bộ luật lao động:

Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

Một trong những quyền lợi của người lao động khi thôi việc đó là được hưởng trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên, đối với những trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động sẽ không được hưởng quyền lợi này nữa. Bên cạnh đó, đối với những người lao động trong quá trình làm việc đã được công ty, đơn vị cử đi học và chi trả chi phí đối với việc học tập, đào tạo đó thì khi thôi việc trái pháp luật, người lao động sẽ phải hoàn trả đầy đủ chi phí này cho phía người sử dụng lao động.

3. Quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng theo pháp luật quy định

Nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp theo những trường hợp đã nêu trên thì khi đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả cho người lao động một khoản trợ cấp thôi việc. Cụ thể tại Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Một khi đã quyết định thôi việc dù vì bất cứ lý do gì. Người lao động cũng nên lưu ý những trường hợp nêu trên để khéo léo áp dụng những lý do chính đang nêu trên để viết đơn thôi việc. Qua đó đảm bảo tuyết đối những quyền lợi của mình có thể nhận được và tránh những hậu quả đang tiếc có thể xảy ra khi thôi việc trái pháp luật.

 

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật lao động tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm