Tung clip quay người khác lên mạng để tố cáo có vi phạm pháp luật?

bởi Quỳnh
Tung clip quay người khác lên mạng để tố cáo có vi phạm pháp luật?

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay, có rất nhiều những hình ảnh của cá nhân; những clip ghi hình; những đoạn ghi âm được phát tán trên mạng Internet. Sự lan truyền nhanh đến mức chóng mặt cùng những bình luận đã gây ảnh hưởng đến người có hình ảnh, clip bị phát tán. Vậy những hành vi tung clip quay người khác lên mạng nhằm mục đích tố giác có vi phạm pháp luật không; và có được xem là tố cáo không? Hãy cùng Bộ phận hỏi đáp pháp luật của Luật sư X tìm hiểu nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Luật Tố cáo năm 2018.
  • Bộ luật Dân sự năm 2015.
  • Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Nội dung tư vấn

Tố cáo là gì?

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 quy định:

Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Người tố cáo có những quyền và nghĩa vụ gì?

Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo là những yếu tố cấu thành địa vị pháp lý của chủ thể tố cáo.

Theo quy định tại Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 thì quyền và nghĩa vụ của người tố cáo bao gồm:

Quyền của người tố cáo:

– Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;

– Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

– Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo; chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo; tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

– Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật; hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;

– Rút tố cáo;

– Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

– Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của người tố cáo:

– Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này;

– Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

– Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

– Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Quy trình để được tiếp nhận tố cáo

– Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.

Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

– Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo; hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên; hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật tố cáo.

Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo; hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên; hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo đã được công bố.

Việc tung clip quay người khác lên mạng để tố cáo có vi phạm pháp luật không?

Hình thức tố cáo: Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn; hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Như vậy, việc tung clip quay người khác lên mạng nhằm tố giác hành vi sai lệch không được xem là tố cáo.

Xem thêm: Tố giác tội phạm là gì?

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, đối với việc tự ý tung clip người khác lên mạng mà chưa được sự đồng ý từ người đó là vi phạm pháp luật.

Đồng thời, điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi:

Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật“.

Trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng ½ mức phạt đối với tổ chức. Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.

Đối với việc tung clip người khác lên mạng trái phép gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự với từng tội danh tương ứng.

Hi vọng rằng nội dung Luật sư tư vấn sẽ giúp ích được cho bạn đọc. Hãy liên hệ khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý khác:  0833 102 102

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm