Xuất cảnh, nhập cảnh được đem theo bao nhiêu tiền mặt và vàng?

bởi Luật Sư X
xuất nhập cảnh

Hiện nay với nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong việc kinh doanh lẫn du lịch thì việc xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các quy định của pháp luật trong việc đem theo tiền mặt hay vàng trong người. Việc này dẫn đến tình trạng rất nhiều người bị xử phạt hành chính. Thậm chí đây cũng là cơ hội để các cán bộ hải quan thực hiện hành vi trái pháp luật bằng cách đưa và nhận hối lộ. Vậy làm sao để hạn chế và chấm dứt tình trạng này ? Mời các bạn hãy xem qua bài viết sau.

Căn cứ:

  • Thông tư số 15/2011/TT-NHNN
  • Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN
  • Thông tư số 11/2014/TT-NHNN

Nội dung tư vấn

1. Về quy định đem theo tiền mặt khi xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam ​​​​​.

Theo quy định tại Thông tư số 15/2011/TT-NHNN của Ngân hành Nhà nước Việt Nam thì hạn mức số tiền mặt (bao gồm tiền đồng Việt Nam, tiền ngoại tệ, cả tiền giấy lẫn tiền kim loại) được thực hiện như sau:

Điều 2. Mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh.

1. Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:

a) 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;

b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).

2. Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.

3. Mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam tiền mặt quy định phải khai báo Hải quan cửa khẩu quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với những cá nhân mang theo các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.

Từ quy định trên chúng ta có thể rút ra những điểm đáng chú ý như sau:

  • Thứ nhất, Quy định áp dụng cho cả xuất cảnh lẫn nhập cảnh vào các cửa khẩu Quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu (hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương đương).
  • Thứ hai, hạn mức theo quy định phải tiến hành khai báo cho Hải quan là 5.000 USD (năm nghìn đô la Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Còn nếu tiền mặt là đồng Việt Nam thì hạn mức là 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng).
  • Thứ ba, trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Trường hợp này chỉ áp dụng với nhập cảnh và mang theo ngoại tệ mà thôi.
  • Thứ tư, Hạn mức nêu trên không áp dụng đối với những cá nhân mang theo các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.​​ (Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu…v.v đươc xem là những giấy tờ có giá.)

Do đó nhìn vào quy định trên thì luật chỉ quy định trường hợp mang theo người vượt mức quy định phải tiến hành khai báo với Hải quan chứ không hề quy định giới hạn số tiền chỉ được đem theo khi qua cửa khẩu. Vì vậy các cá nhân vẫn có thể đem theo số tiền lớn hơn định mức trên miễn tiến hành khai báo và kèm theo các giấy tờ theo quy định là được.

Tuy nhiên nhiều bạn sẽ thắc mắc trường hợp khi xuất nhập cảnh không qua các cửa khẩu quốc tế mà chỉ là những cửa khẩu quốc gia (các cửa khẩu giáp biên giới với Campuchia, Lào và Trung Quốc) thì sẽ giải quyết ra sao? 

Theo quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt của cá nhân xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới của Việt Nam bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh hoặc giấy chứng minh biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc các nước có chung biên giới cấp thì hạn mức được quy định như sau:

Điều 4. Khai báo Hải quan

1. Đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam- Trung Quốc

a/ 6.000 CNY (sáu nghìn Nhân dân tệ Trung quốc);

b/ 10.000.000 VND (mười triệu đồng Việt Nam).

2. Đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam- Lào:

a/ 3.000.000 LAK (ba triệu kíp Lào);

b/ 10.000.000 VND (mười triệu đồng Việt Nam).

3. Đối với trường hợp qua cửa khẩu biên giới Việt Nam – CămPuChia:

a/ 1.000.000 KHR (một triệu Riel Căm Pu Chia);

b/ 10.000.000 VND (mười triệu đồng Việt Nam).

Lưu ý là cũng tại quyết định này thì cá nhân khi xuất cảnh chỉ được mang đồng Việt Nam và tiền của nước mình nhập cảnh theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quyết định này, không được mang đô la Mỹ hay bất cứ các loại ngoại tệ nào khác (trừ trường hợp trước đó khi nhập cảnh họ đã khai báo thì sẽ được mang ra khi họ xuất cảnh)

 

2. Quy định về mang theo vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh.

Ngoài tiền mặt thì vàng cũng là đối tượng chịu sự quản lí của Nhà nước trong xuất, nhập cảnh. Theo Thông tư số 11/2014/TT-NHNN thì quy định về việc mang theo vàng khi xuất nhập cảnh qua cửa khẩu được thực hiện như sau:

Điều 2. Mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu.

1. Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu phải làm thủ tục gửi tại kho Hải quan để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh.

2. Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.

Như vậy, đối tượng dù là cá nhân Việt Nam hay nước ngoài đều không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu khi xuất, nhập cảnh. Bởi lẽ vàng miếng và vàng nguyên liệu là đối tượng dự trữ mang tính chiến lược trong quản lí Nhà nước. Việc quản lí số lượng vàng sẽ giúp Nhà nước chủ động hơn trong việc điều hành kinh tế vĩ mô. Đây không những là đối tượng được quản lí chặt chẽ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Còn các loại vàng khác như vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ được phép mang theo khi cá nhân (Việt Nam, nước ngoài) tiến hành xuất cảnh, nhập cảnh. Và hạn mức phải khai báo trong trường hợp này là từ 300g (ba trăm gam) trở lên.

Trường hợp xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập cảnh, chứng minh thư biên giới sẽ có quy định khác. Cụ thể tại Điều 3 của Thông tư này quy định:

“1. Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới được đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác; trường hợp tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.”

Đầu tiên, giấy thông hành biên giới, giấy thông hành xuất nhập cảnh là 1 loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các đối tượng là cư dân có HKTT  tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Còn trường hợp chứng minh thư biên giới áp dụng đối với cư dân biên giới Việt Nam trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia. Nó không phải là hộ chiếu hay visa nhưng có giá trị tương đương và được cấp cho một số đối tượng nhất định mà thôi. Và căn cứ theo quy định trên thì nếu xuất nhập cảnh bằng các loại giấy tờ đó sẽ không được mang theo dù đó là vàng miếng, vàng nguyên liệu hay vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên nếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ trên người như nhẫn, dây chuyền..v.v dưới 300g thì được (trên 300g thì vẫn được mang nhưng phải khai báo).

Tóm lại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì chúng ta cần lưu ý các con số sau:

  • Mang =< 5000 USD (ngoại tệ tương đương), 15 triệu VNĐ qua cửa khẩu quốc tế thì không phải khai báo. Nếu mang theo nhiều hơn số tiền trên thì phải khai báo và kèm theo các loại giấy tờ theo quy định.
  • Nếu mang séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác thì đem bao nhiêu cũng được.
  • Nếu xuất nhập cảnh không qua cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đi các nước láng giềng) thì hạn mức sẽ khác so với khi xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế.
  • Tuyệt đối không được mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu khi xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu. Nếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ thì trọng lượng phải < 300g, nếu >= 300g phải tiến hành khai báo
  • Nếu xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành xuất nhập cảnh hay chứng minh thư biên giới thì chỉ được đem theo vàng là vàng trang sức đeo trên người như nhẫn, vòng, bông tay…có trọng lượng <300g, nếu vượt mức trên phải khai báo.

Ngoài ra trường hợp đem vàng khi xuất, nhập cảnh đối với dân định cư (người nước ngoài định cư ở Việt Nam/ người Việt Nam định cư ở nước ngoài) các bạn tìm hiểu thêm tại Điều 4 của Thông tư số 11/2014/TT-NHNN.

Giờ phải làm sao để được đem số tiền nhiều hơn theo quy định nhằm phục vụ cho một số trường hợp như đi du lịch, chữa bệnh, mang về cho người thân..v.v??. Rõ ràng đây là những nhu cầu chính đáng và thực tế xảy ra rất nhiều.

Như đã nói ở trên luật pháp chỉ quy định hạn mức không phải khai báo chứ không hề quy định chỉ được đem bao nhiêu tiền khi xuất nhập cảnh. Do đó khi bạn mang vượt số quy định thì chỉ khai báo hải quan, và xuất trình cho cơ quan hải quan giấy tờ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 15/2011/TT-NHNN, như sau:

–  Giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền ra nước ngoài do tổ chức tín dụng được phép cấp phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối; hoặc

–  Văn bản chấp thuận cho cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

Một thủ thuật mà các bạn có thể áp dụng để có thể mang theo nhiều tiền hơn quy định mà không cần phải khai báo đó là hạn mức đối với tiền Việt Nam là15.000.000 đồng, còn nếu là USD (hoặc tiền tương đương) thì lên đến 5.000USD (tương đương hơn 110 triệu đồng). Do đó các bạn nên đổi tiền VNĐ sang tiền USD hoặc tiền tương đương thì sẽ được đem số tiền có giá trị nhiều hơn đấy.

Mong bài viết hữu ích với các bạn.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm