Vì nhiều lí do cá nhân, mà nhiều người có mong muốn xin nghỉ việc. Để thông báo cho người sử dụng lao động, công ty, cơ quan thì người lao động, nhân viên phải gửi đơn xin nghỉ việc trước thời hạn theo quy định. Có thể nhiều người chưa biết nên viết đơn xin nghỉ việc như thế nào, lí do xin nghỉ như thế nào cho hợp lý? Nếu bạn chưa biết viết đơn xin nghỉ việc như thế nào, hãy tham khảo và tải xuống mẫu đơn xin nghỉ việc và theo dõi cách viết dưới bài viết này của Luật sư X nhé.
Căn cứ pháp lý
Quy định về các trường hợp người lao động được nghỉ việc?
Pháp luật đã quy định về những trường hợp người lao động nghỉ việc phải thông báo trước cho người sử dụng lao động trong thời gian quy định. Bên cạnh đó, trong một vài trường hơp thì người lao động có thể nghỉ việc mà không cần thông qua người sử dụng lao động. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:
“Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Trong các trường hợp trên thì người lao động khi nghỉ việc cần phải báo trước cho người sử dụng lao động trong các khoản thời gian nêu trên.
Trong một số trường hợp thì người lao động có thể nghỉ việc mà không cần phải được người sử dụng lao động thông qua như sau:
– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động;
– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
– Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
– Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Có bắt buộc phải viết đơn xin nghỉ việc hay không?
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết hạn hợp đồng.
Nếu có các lý do luật quy định như không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, bị người sử dụng lao động ngược đãi; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc… người lao động có thể nghỉ việc luôn mà không cần phải báo trước.
Trường hợp nghỉ việc vì lý do khác thì người lao động phải thực hiện báo trước cho doanh nghiệp biết.
Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về hình thức báo trước nên người lao động có thể thông báo bằng lời, viết đơn hay gửi email,… đến người sử dụng lao động.
Theo đó, không bắt buộc người lao động trước khi nghỉ việc phải viết đơn xin nghỉ việc.
Nhưng để có bằng chứng chứng minh là đã báo trước đúng quy định, đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp của mình thì người lao động cũng nên viết đơn xin nghỉ việc hoặc viết email gửi cho người sử dụng lao động.
Các lý do nghỉ việc hợp lý có thể sử dụng trong đơn xin nghỉ việc?
Trong cuộc sống, có rất nhiều lý do dẫn đến nghỉ việc, tuy nhiên khi viết đơn xin nghỉ việc cần phải lựa chọn và cân nhắc để viết lý do cho phù hợp. Sau đây là một số lí do có thể tham khảo để đưa vào đơn xin nghỉ việc:
– Lý do gia đình
Một số lí do về gia đình ví dụ như cha mẹ già yếu bệnh tật, con cái hay vợ/chồng bị bệnh, ốm đau cần phải chăm sóc nhiều ngày,… khiến người lao động không thể an tâm làm việc, công tác và gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc, không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
– Lý do cá nhân không muốn làm ảnh hưởng tới công việc của công ty
Một lý do phổ biến mà người lao động có thể nêu ra đó là lý do cá nhân, vì lý do sức khỏe nên không thể đáp ứng được nhu cầu công việc, tính chất của bệnh tật hay mắc bệnh cần điều trị nhiều ngày,… .
– Do kế hoạch sinh con trong thời gian sắp tới
Lý do quan trọng và có khả năng cao được chấp nhận trong đơn xin nghỉ việc đó là lý do sinh sản của người phụ nữ. Người phụ nữ mang thai rất cần chú trọng đến sức khỏe để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và bé.
Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp người phụ nữ thường lấy lí do là sinh con để điền vào lí do nghỉ việc.
– Nghỉ do chuyển chổ ở mới quá xa công ty
Việc phải chuyển chỗ ở mới quá xa công ty khiến cho việc đi lại mất quá nhiều thời gian, và không đảm bảo sức khoẻ hay không thể tuân thủ được đúng thời gian làm việc theo quy định của công ty… cũng là một trong những lý do để người lao động nghỉ việc và tìm kiếm công việc mới.
– Thay đổi môi trường làm việc
Việc thay đổi môi trường làm việc thường xảy ra thường xuyên đặc biệt là đối với người trẻ tuổi, khi còn trẻ phải lấy lí do cần trải nghiệm và học hỏi thêm, tích lũy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, khi viết đơn xin nghỉ việc, cần lựa chọn từ ngữ sao cho phù hợp để dễ dàng được chấp nhận cũng như giữ được mối quan hệ tốt đẹp đối với công ty cũ.
– Có cơ hội làm việc tốt hơn
Có cơ hội việc làm tốt hơn để phát triển công việc và hoàn thiện kỹ năng chuyên môn của bản thân luôn là lý do nghỉ việc chính đáng và được những người sử dụng lao động có tâm ủng hộ. Bạn chỉ cần viết đơn xin nghỉ việc một cách thật chân thành với thái độ đúng mực thì sẽ dễ dàng được sếp thông qua.
Tải xuống mẫu đơn xin nghỉ việc file word
– Tải mẫu đơn xin nghỉ việc số 1:
– Tải mẫu đơn xin nghỉ việc số 2:
Hướng dẫn cách viết đơn xin nghỉ việc
– Quốc hiệu ghi “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” bằng chữ in hoa, kiểu chữ đứng, đậm.
– Tiêu ngữ ghi “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” được viết bằng chữ in thường, kiểu chữ đứng, đậm; được đặt canh giữa dưới quốc hiệu; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối ngắn và có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ.
– Dòng chữ “ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC” viết bằng chữ in hoa, kiểu chữ đứng, đậm, căn giữa trang và ngay dưới phần quốc hiệu, tiêu ngữ.
– Nơi/người nhận đơn: ghi “Kính gửi…”. Ở chỗ “…” ghi tên nơi hoặc người nhận đơn có liên quan đến việc giải quyết đơn xin nghỉ việc.
– Thông tin về bản thân:
+ Họ tên;
+ Năm sinh/Tuổi;
+ Chức vụ/ Thuộc bộ phận/phòng/ban/…
+ Số CMND/CCCD/Hộ chiếu;
+ Chỗ ở (thường trú, tạm trú).
Tùy thuộc theo yêu cầu từng đơn vị, doanh nghiệp mà mức độ chi tiết về thông tin cá nhân trong đơn xin nghỉ việc sẽ khác nhau.
– Lý do xin nghỉ việc:
Đây là nội dung chính của đơn xin nghỉ việc. Tại mục này, người lao động viết lý do xin nghỉ việc một cách rõ ràng, nhưng phải đảm bảo ngắn gọn.
– Thời gian muốn nghỉ việc và bàn giao công việc trong đơn xin nghỉ việc;
+ Ghi rõ nội dung các công việc bàn giao;
+ Bàn giao công việc cho ai/làm chức vụ gì;
+ Lời cam kết về thông tin đã ghi trên là sự thật và đảm bảo thực hiện;
+ Lời cảm ơn và mong muốn được duyệt đơn xin nghỉ việc
– Ký và ghi rõ họ tên người lao động ở cuối đơn xin nghỉ việc.
Đơn xin nghỉ việc có thể gửi trực tiếp bằng bản giấy hoặc bằng bản điện tử, qua email,… tùy vào yêu cầu của từng đơn vị, doanh nghiệp.
Thông tin liên hệ
Luật sư X sẽ đại diện khách hàng để giải quyết các vụ việc có liên quan đến vấn đề “Tải xuống mẫu đơn xin nghỉ việc và cách viết năm 2023” hoặc các vấn đề pháp lý khác như là Mẫu đơn xin xây dựng bờ kè. Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành và đội ngũ chuyên gia pháp lý dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ hỗ trợ quý khách hàng tháo gỡ vướng mắc, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Hãy liên lạc với số hotline 0833.102.102 để được trao đổi chi tiết, xúc tiến công việc diễn ra nhanh chóng, bảo mật, uy tín.
Mời bạn xem thêm bài viết
- Nghỉ việc trong thời gian thử việc có được trả lương không?
- Có được tự ý nghỉ việc khi hết hạn hợp đồng hay không?
- Mẫu quyết định nghỉ việc không hưởng lương mới năm 2023
Câu hỏi thường gặp
Theo Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc.
Nếu làm thử mà thấy không phù hợp thì người lao động hoàn toàn có thể xin nghỉ việc. Tại Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định:
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Như vậy, việc viết đơn xin nghỉ việc trong thời gian thử việc là không bắt buộc. Tuy nhiên, trước khi nghỉ việc thì người lao động nên thông báo cho người quản lý trực tiếp để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với công ty và để phía công ty có thể đưa ra chính sách về nhân sự phù hợp khi quyết định nghỉ việc.
Căn cứ theo Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, tức là nghỉ việc (thôi việc) không thuộc trường hợp được quy định nhưng không đảm bảo thời gian báo trước theo hướng dẫn tại Mục 1 thì:
– Không được trợ cấp thôi việc.
– Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
– Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2019.