Dạy thêm có phải xin phép không?

bởi Luật Sư X

Hiện nay, dạy thêm, học thêm đang được xem như một thực trạng đáng báo động, tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan với đủ loại các lò luyện thi đã tạo thành một vấn nạn. Theo đó, giáo viên có thật sự được phép dạy thêm bên ngoài trường hay không? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X để có thể nắm rõ hơn vấn đề nêu trên nhé.

Căn cứ pháp lý

  • Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy, học thêm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
  • Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019 công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Nội dung tư vấn 

1. Hoạt động dạy thêm là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 17 thì dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo đó, dạy thêm, học thêm được thực hiện dưới hai hình thức như sau:

  • Dạy thêm, học thêm trong nhà trường do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, gọi chung là nhà trường) tổ chức;
  • Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường không do nhà trường tổ chức.

2. Dạy thêm có cần phải xin phép không?

Hiện nay, theo Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019 thì Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 về dạy thêm, học thêm đã chính thức hết hiệu lực với lý do hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư kể từ thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Cụ thể các quy định hết hiệu lực là:

  • Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (Điều 6).
  • Yêu cầu đối với người dạy thêm (Điều 8).
  • Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 9).
  • Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm (Điều 10).
  • Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 11).
  • Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 12).
  • Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 13).
  • Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 14).

Như vậy, hiện nay không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được 2phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Tính đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào được ban hành, nên các Sở Giáo dục và Đào tạo trên toàn quốc cũng đã tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trong các năm học sau này. Theo đó, chỉ có việc cấp phép dạy thêm trong nhà trường là đúng quy định.

Đối với trường hợp các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn tiếp tục hoạt động. Việc dạy thêm, học thêm các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng theo nguyên tắc dạy thêm tại điều 3 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT như sau:

1. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

3. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

4. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm

Và tại Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cũng đã đưa ra các quy định về việc nghiêm cấm dạy thêm đối với các trường hợp dưới đây:

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

3. Mức xử phạt khi vi phạm?

Theo Điều 7 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực dạy thêm như sau:

Điều 7. Vi phạm quy định về dạy thêm

1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng;

c) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép;

d) Từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

b) Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều này.

Theo đó, người nào có hành vi vi phạm như nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 12.000.000 tùy vào từng trường hợp và mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, người vi phạm còn buộc phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại

Mong bài viết hữu ích cho bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm