Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Cầu Giấy

bởi MinhThu

Ngày nay, nhu cầu thành lập công ty ngày càng cao, trong đó nhu cầu thành lập doanh nghiệp tư nhân chiếm số lượng lớn. Đặc biệt là trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, bởi nơi đây là nơi khá phát triển về kinh tế- xã hội, hơn thế nữa, quận Cầu Giấy thuận tiện cho các doanh nghiệp dù là kinh doanh lĩnh vực gì đều có thể phát triển tốt. Nếu bạn đang quan tâm về thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Cầu Giấy, xin tham khảo bài viết của Luật sư X.

Căn cứ pháp lý

Luật doanh nghiệp 2014;

Nghị định 78/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 78/2015)

Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT 

Nội dung tư vấn

1. Tìm hiểu chung về doanh nghiệp tư nhân:

a. Khái niệm doanh nghiệp tư nhân.

Nói đến doanh nghiệp, ta có thể hiểu doanh nghiệp là một khái niệm rộng, bao hàm những khái niệm hẹp hơn như doanh nghiệp tư nhân,  công ty trách nhiệm hữu hạn, … Ngoài những điểm chung của doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân còn có những nét đặc thù nhất định, mà qua đó, ta có thể phân biệt được doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khác. Việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng để có thể khẳng định được vị trí và vai trò của doanh nghiệp tư nhân bên cạnh các loại hình doanh nghiệp khác. Điều 183 luật doanh nghiệp 2014 đã đưa ra khái niệm về doanh nghiệp cá nhân như sau: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp; Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào; Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân”.

b. Chế độ chịu trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Một trong những đặc điểm đặc biệt của doanh nghiệp tư nhân chính là việc doanh nghiệp này chỉ có một người duy nhất làm chủ sở hữu. Chủ doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, do đó họ hoàn toàn có quyền tự quyết định đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận mang lại. Theo Điều 183 luật doanh nghiệp 2014 , chủ doanh nghiệp tư nhân  phải “tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Nói cách khác, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Tài sản của một doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân không có sự tách biệt. Khi thành lập một doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn ban đầu của doanh nghiệp xuất phát từ tài sản của chủ doanh nghiệp, do chủ doanh nghiệp tư nhân tự khai báo với cơ quan đăng kí kinh doanh. Nhưng nguồn vốn này không hẳn là được cố định mãi mãi. Sẽ luôn luôn có sự thay đổi về nguồn vốn trong doanh nghiệp tư nhân, do đó việc xác định chính xác tài sản của doanh nghiệp tư nhân là bao nhiêu, của chủ doanh nghiệp là bao nhiêu là một bài toán khó, không có lời giải. Cũng từ lí do đó nên chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

c. Ưu điểm

Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một người làm chủ, và người đó phải chịu trách nhiệm vô hạn nhưng việc công ty được quản lý bởi một người duy nhất sẽ tạo được sự thống nhất cho doanh nghiệp, việc quản lý và điều hành cũng sẽ dễ dàng hơn. Cũng phải công nhận chính chế độ trách nhiệm vô hạn này có thể tạo được lòng tin, sự yên tâm của khách hành và đối tác hơn các loại hình doanh nghiệp hữu hạn. Đây thực sự là một lợi thế lớn của doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, cũng vì đặc điểm này mà doanh nghiệp ít phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ đối với với pháp luật như tài chính, kế toán nếu so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác

d. Nhược điểm

Ngoài những ưu điểm kể trên, không thể không kể đến những nhược điểm của chế độ trách nhiệm vô hạn. Việc một người duy nhất làm chủ doanh nghiệp thì cũng đồng nghĩa với việc người đó phải chịu mọi rủi ro ktrong kinh doanh của doanh nghiệp mà không thể yêu cầu người khác chịu cùng. Điều này được thể hiện bằng việc nếu như doanh nghiệp có gặp thua lỗ, số vốn ban đầu không đủ để có thể chi trả thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải dùng chính tài sản của mình để bù đắp thua lỗ. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp khác. Ví dụ: với công ty TNHH, khi có thua lỗ, thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong phạm vi số tiền mà họ đã bỏ ra để góp vốn. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp tư nhân luôn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ khoản thua lỗ của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản của mình nếu như số vốn ban đầu tư ban đầu không đủ để trả nợ. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu một doanh nghiệp tư nhân không thể trả nợ, rơi vào tình trạng phá sản thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ được coi là thuộc phần tài sản bị phá sản của doanh nghiệp. Nói cách khác, một khi doanh nghiệp phá sản thì chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ hoàn toàn tay trắng, khó có khả năng làm lại.

Có lẽ chính vì lí do này mà pháp luật đã quy định chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được thành lập duy nhất một doanh nghiệp tư nhân và cho đến khi doanh nghiệp ấy còn tồn tại thì chủ doanh nghiệp không được thành lập them một doanh nghiệp tư nhân khác. Quy định này đặt ra là vô cùng thiết thực. Đặt vấn đề rằng nếu chủ doanh nghiệp có hai doanh nghiệp tư nhân thì sao? Như đã nói trên, tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp là không có ranh giới nhất định. Việc doanh nghiệp tư nhân thứ nhất của người này bị phá sản thì đồng nghĩa với việc tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân phá sản. Như vậy có nghĩa là doanh nghiệp tư nhân thứ hai của người cũng sẽ bị phá sản theo doanh nghiệp tư nhân thứ nhất. Đặt ra quy định này là đễ loại trừ những trường hợp đáng tiếc xảy ra cho chủ doanh nghiệp.

Chế độ chịu trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một trong những đặc điểm đặc biệt nhất của doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đặc điểm này, doanh nghiệp tư nhân cũng có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Vì thế, để lựa chọn loại hình doanh nghiệp này, chủ doanh nghiệp nên tìm hiểu và cân nhắc thật kĩ lưỡng để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.

2. Minh chứng cho việc lựa chon thành lập doanh nghiệp tư nhân tại Quận Cầu Giấy là 1 ý tưởng tốt

Quận Cầu Giấy được thành lập theo Nghị định số 74-CP ngày 22/11/1996 của Chính Phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/9/1997; phía Đông giáp quận Đống Đa và quận Ba Đình, phía Tây giáp hai quận NamTừ Liêm và Bắc Từ Liêm, phía Nam giáp quận Thanh Xuân và phía Bắc giáp quận Tây Hồ. Khi mới thành lập Quận Cầu Giấy có 7 đơn vị hành chính bao gồm toàn bộ diện tích đất tự nhiên và dân số của 4 thị trấn: Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch và 3 xã: Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa thuộc huyện Từ Liêm; diện tích đất tự nhiên của Quận là 1.210,07ha, với 82.900 người.

Ngày 05/01/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, phường Dịch Vong Hậu được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính và dân số của hai phường Quan Hoa và Dịch Vọng, từ ngày 01/4/2005, phường Dịch Vọng Hậu chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay quận có 8 phường: Phường Dịch Vọng, phường Mai Dịch, phường Nghĩa Đô, phường Nghĩa Tân, phường Quan Hoa, phường Trung Hòa, phường Yên Hòa, phường Dịch Vọng Hậu.

Tính đến tháng 01/2018 dân số của Quận là 269.637 người.

Kinh tế của quận phát triển nhanh và khá toàn diện, tạo được sự chuyển dịch quan trọng về cơ cấu theo đúng định hướng: từ “Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng – thương mại, dịch vụ – nông nghiệp” nay chuyển sang “Dịch vụ – Thương mại và  Công nghiệp – Xây dựng”. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 29,1 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 8,45 tỷ đồng; tổng giá trị hàng hóa luân chuyển và dịch vụ đạt 120,53 tỷ đồng. Đến năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước đạt 7.982,487 tỷ đồng và không còn thành phần kinh tế nông nghiệp; tổng giá trị luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 206.137,270 tỷ đồng. Cụm Tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ hình thành (nay là Khu Công nghệ thông tin tập trung) thu hút gần 400 doanh nghiệp. Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng nhiều. Quận Cầu Giấy đang trên đà phát triển để trở thành một trong những trung tâm Thương mại – Dịch vụ – Hành chính – Giáo dục của Thủ đô với các ngành dịch vụ hiện đại về Tài chính – Ngân hàng – Tin học – Viễn Thông. Thu ngân sách tăng từ gần 35 tỷ đồng năm 1998 lên hơn 6.850 tỷ đồng năm 2017 (tăng gần 196 lần).

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp theo quận, huyện, trong 10 tháng năm 2018, xét về số lượng doanh nghiệp, các quận Hà Đông, Cầu Giấy có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất (khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp/quận; Huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ít nhất (khoảng 60 doanh nghiệp); về quy mô vốn đăng ký, quận Cầu Giấy có số vốn đăng ký nhiều nhất (hơn 31.911 tỉ đồng), huyện Phú Xuyên có số vốn đăng ký thấp nhất (136,63 tỉ đồng).

Như vậy, có thể dựa vào những căn cứ trên nhận thấy thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Cầy Giấy là ý tưởng vô cùng sáng suốt

3. Một số lưu ý về việc chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Cầu Giấy

– Không viết tay vào các mẫu để nộp hồ sơ; không sử dụng kim bấm để bấm hồ sơ (sử dụng ghim kẹp); hồ sơ và các bản sao y giấy tờ chứng thực cá nhân, chứng chỉ hành nghề, các loại giấy tờ kèm theo phải sử dụng giấy khổ A4.

a. Hướng dẫn cách đặt tên doanh nghiệp

Trước khi đặt tên, bạn nên vào trang  www.dangkykinhdoanh.gov.vn, mục Dịch vụ công/Tra cứu tên doanh nghiệp, để kiểm tra xem tên mình định đặt có trùng với doanh nghiệp nào không.

Với tên bằng tiếng Việt

Tên doanh nghiệp = Tên loại hình doanh nghiệp +  Tên riêng của doanh nghiệp

Lưu ý: Chỉ được sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề đó hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó.  

Với tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt

– Được dịch bằng tiếng Việt tương ứng. Tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hay dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

– Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt bằng tiếng Việt hay nước ngoài.

Tên trùng và tên gây nhầm lẫn

Tên trùng là được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống tên của doanh nghiệp đã đăng ký

Tên nhầm lẫn là các trường hợp:

– Được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký.

– Chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “-“, “và”

– Tên viết tắt trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký.

– Tên bằng tiếng nước ngoài trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký.

– Tên riêng của doanh nghiệp khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi 01 hay 01 số tự nhiên, số thứ tự hay 01, 01 số chữ cái tiếng Việt ngay sau tên doanh nghiệp đó, trừ trường hợp đó là công ty con.

– Tên riêng của doanh nghiệp khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ ”tân” ngay trước hay “mới” ngay sau tên doanh nghiệp đã đăng ký.

– Tên riêng của doanh nghiệp khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hay các từ có ý nghĩa tương tự, trừ trường hợp đó là công ty con.

– Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký

b. Hướng dẫn về địa chủ trụ sở chính

Bao gồm:

– Xác định gồm số nhà, tên phố hay tên xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

– Số điện thoại.

– Số fax.

– Thư điện tử (nếu có).

Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở với cơ quan đăng ký kinh doanh, trong hạn 15 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ví dụ: Địa chỉ: Tầng 3 Số 123 Trần Đăng Ninh, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

c. Hướng dẫn về ngành nghề kinh doanh

+ Lựa chọn ngành kinh tế cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

+ Nếu doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký chi tiết hơn ngành kinh tế cấp 4 hay ngành nghề đã được cấp chưa có mã thì doanh nghiệp chọn ngành kinh tế cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành nghề kinh doanh nhưng phải đảm bảo phù hợp với ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề chi tiết đã ghi.

d. Hướng dẫn kê khai thông tin đăng ký thuế

– Năm tài chính là niên độ kế toán, bắt đầu từ 01/01 đến 31/12 dương lịch.

– Đăng ký xuất nhập khẩu: là quyền của doanh nghiệp có thể chọn có hay không.

– Các loại thuế phải nộp: nộp thuế nào thì phải đánh vào những ô đó.

Ngành, nghề kinh doanh chính: chỉ chọn 1 ngành trong số các ngành đã đăng ký.

Lưu ý: Mỗi cá nhân chỉ được quyền đăng ký thành lập 01 doanh nghiệp tư nhân.

e. Chuẩn bị hồ sơ

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (do chủ doanh nghiệp ký).

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của của chủ doanh nghiệp tư nhân: CMND hoặc Hộ chiếu.

– Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định pháp luật phải có vốn pháp định.

– Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

– Mục lục hồ sơ (ghi theo thứ tự trên).

– Bìa hồ sơ (bằng bìa giấy mỏng hoặc nylon cứng không có chữ sử dụng cho mục đích khác).

– Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ.

4. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Cầu Giấy

Có 2 cách thực hiện:

– Đăng ký thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp theo địa chỉ www.dangkykinhdoanh.gov.vn.

Tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử là hợp lệ khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu sau:
1. Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được chuyển sang dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy.
2. Các thông tin đăng ký doanh nghiệp được nhập đầy đủ và chính xác theo thông tin trong các văn bản điện tử. 

Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng:

Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tự động tạo mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh:

Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét, gửi thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ. Khi hồ sơ đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tạo mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi nhận được thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật nộp một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và thông báo hồ sơ hợp lệ qua mạng điện tử đến Phòng Đăng ký kinh doanh. Người đại diện theo pháp luật có thể nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy và Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc nộp qua đường bưu điện.
Sau khi nhận được hồ sơ bằng bản giấy, Phòng Đăng ký kinh doanh đối chiếu đầu mục hồ sơ với đầu mục hồ sơ doanh nghiệp đã gửi qua mạng điện tử và trao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp nếu nội dung đối chiếu thống nhất.
Nếu quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử của doanh nghiệp không còn hiệu lực.
Người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm về tính đầy đủ và chính xác của bộ hồ sơ nộp bằng bản giấy so với bộ hồ sơ được gửi qua mạng điện tử. Trường hợp bộ hồ sơ nộp bằng bản giấy không chính xác so với bộ hồ sơ được gửi qua mạng điện tử mà người nộp hồ sơ không thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm nộp hồ sơ bằng bản giấy thì được coi là giả mạo hồ sơ và sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP.

– Đăng ký trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh theo các bước sau:

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.

Bước 2: Doanh nghiệp đến nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh.

Người thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và thanh toán lệ phí tại Phòng Đăng ký kinh doanh- Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có một Sở Kế hoạch và Đầu tư. Vì thế khi doanh nghiệp muốn  đăng ký thành lập công ty cổ phần ở quận Cầu Giấy thì phải nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội: Tầng 3, toà nhà B10A, Khu đô thị Nam Trung Yên, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội

(Thời gian làm việc từ 7h30 đến 11h30 từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, việc nộp hồ sơ sẽ phải nộp lệ phí trước rồi lấy số và chờ gọi theo thứ tự)

Chuyên viên kiểm tra hồ sơ đủ giấy tờ theo quy định, tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy biên nhận cho doanh nghiệp. Hồ sơ được tiếp nhận khi có đủ:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của chủ doanh nghiệp tư nhân.

– Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định pháp luật phải có vốn pháp định.

– Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

– Có tên doanh nghiệp.

– Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ đã điền đầy đủ thông tin.

– Đã nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Trường hợp người thành lập doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp: 

người được ủy quyền xuất trình CMND hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác và giấy tờ sau:

– Hợp đồng cung cấp dịch vụ và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân nộp hồ sơ hoặc

– Văn bản ủy quyền cho cá nhân nộp hồ sơ theo quy định pháp luật:

  • Trường hợp thành lập mới doanh nghiệp: Hợp đồng ủy quyền hoặc Giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực (hợp đồng có công chứng hoặc giấy ủy quyền có chứng thực chữ ký của cấp có thẩm quyền).
  • Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: Văn bản ủy quyền của người đại diện pháp luật (ký tên, đóng dấu pháp nhân).

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng Dịch vụ trả kết quả do Bưu điện cung cấp: nếu người thành lập doanh nghiệp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhận kết quả thì khi nộp hồ sơ phải kèm văn bản ủy quyền theo quy định sau:

– Hợp đồng cung cấp dịch vụ và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nhận kết quả; hoặc

Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nhận kết quả theo quy định pháp luật:

    + Trường hợp thành lập mới doanh nghiệp: Hợp đồng ủy quyền hoặc Giấy ủy quyền theo quy định pháp luật về công chứng, chứng thực (hợp đồng có công chứng hoặc giấy ủy quyền có chứng thực chữ ký của cấp có thẩm quyền).

   + Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp: Văn bản ủy quyền của người đại diện pháp luật (ký tên, đóng dấu pháp nhân)

Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.

Bước 4: Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ từ 13h đến 17h từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Việc nhận kết quả cũng phải lấy số và chờ gọi theo thứ tự.

Ngay sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần kiểm tra lại thông tin, nếu phát hiện thông tin sau, liên hệ ngay với cá bộ vừa trả kết quả để được giải quyết.

Trường hợp doanh nghiệp phát hiện thông tin sai sau khi nhận kết quả đăng ký:

– Nếu do Phòng đăng ký kinh doanh cấp không đúng với thông tin doanh nghiệp kê khai trong hồ sơ đã nộp, doanh nghiệp làm thủ tục hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và nộp tại Phòng đăng ký vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần từ 7h30 – 11h30.

– Nếu do doanh nghiệp khai sai: doanh nghiệp làm lại thủ tục thay đổi nội dung đăng ký và nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần từ 7h30 – 11h30.

Bước 5: Thực hiện thủ tục khắc dấu tròn doanh nghiệp + Thông báo mẫu dấu lên cổng thông tin đăng ký quốc gia.
Bước 6: Mở tài khoản ngân hàng + Thông báo số TKNH cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Bước 7: Đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và ngân hàng xác nhận đã đăng ký nộp thuế điện tử.
Bước 8: Đóng thuế môn bài qua mạng bằng cách sử dụng Chữ ký số điện tử để nộp thuế môn bài cho doanh nghiệp (Nếu các bạn chưa có chữ ký số điện tử thì bắt buộc phải mua chữ ký số điện tử để thực hiện được bước đóng thuế môn bài này.
Bước 9: Đến cơ quan thuế sở tại tiến hành khai thuế ban đầu, nộp hồ sơ khai thuế ban đầu, nộp hồ sơ đặt in hóa đơn, nhận kết quả đặt in hóa đơn, in hóa đơn, thông báo phát hành hóa đơn, và cuối cùng được xuất hóa đơn VAT).
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả nhất là đối với các chủ doanh nghiệp đang có dự định thành lập doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn quận Cầu Giấy

Trân trọng!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm