Chữ ký số là gì?

bởi Vudinhha

Giao dịch điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ dưới sự khuyến khích của Chính phủ. Ngày càng có nhiều địa phương áp dụng phương tiện điện tử trong việc quản lý xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp. Để các giao dịch điện tử diễn ra một cách chính xác và an toàn, công cụ chữ ký số ra đời phục vụ việc xác thực các thông điệp dữ liệu được gửi đi bởi tổ chức – doanh nghiệp. Vậy, chữ ký số là gì và công dụng của nó như thế nào? Bài viết sau sẽ hướng dẫn tìm hiểu về chữ ký số và các thông tin trên.

Căn cứ:

  • Luật Giao dịch điện tử 2005
  • Luật Quản lý thuế 2019
  • Nghị định 130/2018/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Khái niệm chữ ký số

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ- CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thì “chữ ký số” được hiểu như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

6. “Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản, chữ ký số là chữ ký điện tử được chứng thực bởi dịch vụ chứng thực chữ ký số. Theo đó, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số sẽ tạo cặp khóa hoặc hỗ trợ tạo cặp khóa bao gồm khóa công khai và khóa bí mật cho thuê bao để xác thực việc thuê bao là người đã ký số trên thông điệp dữ liệu. 

Bên cạnh đó, để chữ ký số có giá trị pháp lý và có thể sử dụng hợp pháp thì chữ ký số đó cần đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số quy định tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP như sau:

Điều 9. Điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số 

Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

2. Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:

a) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;

b) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

c) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

d) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định này.

3. Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

Khi chữ ký số đã được đảm bảo an toàn thì giá trị pháp lý của nó tương đương với chữ ký tay của người đại diện tổ chức và có thể sử dụng thay thế chữ ký tay trong tất cả các trường hợp giao dịch thương mại điện tử trong môi trường số.

2. Công dụng của chữ ký số

Hiện nay, ngày càng phổ biến việc áp dụng công nghệ vào quản lý tổ chức – doanh nghiệp. Do đó, việc tổ chức – doanh nghiệp đăng ký vào sử dụng chữ ký số ngày càng gia tăng theo yêu cầu của pháp luật, điển hình là trong quy định của Luật quản lý thuế 2019 yêu cầu như sau:

Điều 17. Trách nhiệm của người nộp thuế

10. Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật.

Như vậy, tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bắc Giang, … bắt buộc phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử. Kèm theo việc thực hiện các nghĩa vụ kể trên, các tổ chức – doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số để xác thực các thông tin của tổ chức – doanh nghiệp đó. Ngoài ra, chữ ký số còn được dùng trong việc kê khai hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng điện tử, giao dịch chứng khoán điện tử, Cổng thông tin một cửa quốc gia, cơ quan hành chính, giao dịch trong lĩnh vực kê khai bảo hiểm xã hội điện tử… mà không phải in các tờ kê khai, hoá đơn và đóng dấu đỏ của công ty. 

Dù vậy, công dụng chủ yếu của chữ ký số vẫn là để kí hợp đồng với các đối tác làm ăn trực tuyến mà không cần phải gặp nhau mà chỉ cần kí vào file hợp đồng và gửi qua email. Chữ ký số là thiết bị đảm bảo tốt, an toàn và chính xác tính bảo mật, toàn vẹn dữ liệu và là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp cho các cá nhân hay cơ quan tổ chức cũng yên tâm hơn với các giao dịch điện tử của mình. Từ đó giúp tiết kiệm thời gian của các bên và giúp phát triển nền tảng giao dịch điện tử hay thương mại điện tử.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm