Các sai phạm trong Vụ trúng đấu giá đất của CTCP Y dược Vimedimex

bởi DangNgocHa
Sai phạm đấu giá qsdđ Vimedimex

Đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng, cần thiết cho cuộc sống của con người. Tại Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý trên cả nước. Quyền sử dụng đất được nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất với những điều kiện nhất định. Xuất phát từ việc là nguồn tài nguyên có hạn trong khi nhu cầu về nơi ở, nơi sản xuất kinh doanh của con người là luôn có; đặc biệt tại khu vực đô thị với cơ sở hạ tầng phát triển hay các khu vực nằm trong quy hoạch dự án phát triển kinh tế thì giá đất lại càng có xu hướng tăng cao. Lợi dụng điều này, trên thực tế có không ít những hành vi cò đất, thổi giá hay thông đồng để có được đất đẹp rồi lại bán đi ăn chênh lệch hòng kiếm lời cao. Gần đây, vụ việc liên quan tới Công ty Cổ phần Vimedimex đang được cơ quan công an điều tra có những dấu hiệu vi phạm là ví dụ liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, ngày 9/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex, Vương Thị Thu Thủy – Cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh, Nguyễn Thị Diệu Linh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần thẩm định giá và đầu tư Hà Nội, Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Ngọc Thắng – cùng là thẩm định viên của Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội, cùng 3 bị can khác thuộc các công ty kinh doanh bất động sản để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu rõ hơn về các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trong vụ việc trên thông qua bài viết này.

Căn cứ pháp lý

Luật đất đai 2013 chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2014

Luật đấu giá tài sản 2016 có hiệu lực từ ngày 01/07/2017

Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP

Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất

Đấu giá quyền sử dụng đất là gì?

Hiện nay pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là “Đấu giá quyền sử dụng đất; tuy nhiên ta có thể tìm hiểu thông qua định nghĩa “Đấu giá tài sản” được quy định tại khoản 2 điều 5 Luật đấu giá tài sản 2016. Theo đó, Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được pháp luật quy định. Điều 105 BLDS 2015 quy định Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản. Trong đó, quyền tài sản trong khoa học pháp lý được hiểu là các quyền trị giá được thành tiền. Quyền sử dụng đất hiện nay cũng được coi là một trong các quyền tài sản. Qua đây, có thể hiểu đấu giá quyền sử dụng đất là hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất có từ hai người trở lên tham gia đấu giá.

Quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất

Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, một trong những cách thức để nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của mình đó là quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Hiện theo Luật đất đai 2013, Nhà nước trao quyền sử dụng đất thông qua ba hình thức đó là giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất. Trong đó với hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất có thể được thực hiện thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, Luật đất đai 2013 đã dành riêng mục 3, chương VIII để quy định về đấu giá quyền sử dụng đất với các vấn đề về: Nguyên tắc đấu giá quyền sử dụng đất (điều 117); Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất (điều 118); Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (điều 119).

Đặc biệt Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp đã có quy định cụ thể về việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, việc cơ quan nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua phương thức đấu giá cũng là một nội dung trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, do đó cần phải tuân thủ các quy định trong Luật quản lý tài sản công 2017

Đất đai với đặc điểm tính cố định về vị trí địa lý, vậy nên khi xem xét các quan hệ pháp luật liên quan đến đất đai, bên cạnh quy định của cơ quan trung ương, chúng ta cũng cần xem xét các quy định cụ thể của cơ quan, chính quyền địa phương nơi có đất để có thể đánh giá sự việc một cách khách quan, tổng thể nhưng cũng phù hợp với điều kiện cụ thể tại mỗi khu vực, địa phương nhất định.

Các sự kiện pháp lý trong vụ Công ty Cổ phần Y Dược Vimedimex

Để có thể đánh giá, phân tích được các dấu hiệu vi phạm trong vụ trúng đấu giá lô đất tại Đông Anh của công ty Cổ phần Y dược Vimedimex, hãy cùng Luật sư X xác định rõ ràng các sự kiện pháp lý dựa trên các tình tiết diễn biến vụ việc đã được báo chí chính thống đưa tin (Hiện vụ việc mới chỉ đang trong quá trình điều tra, chưa có phán quyết của tòa tán, tùy theo diễn biến, các phát hiện điều tra thực tế sau này mới có thể xác định tội phạm với các bị can, bài viết này chỉ phân tích dựa trên những tình tiết vụ án được đưa tin tại thời điểm hiện tại)

Diễn biến vụ việc

  • Tháng 8-2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.
  • Ban đầu Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỉ đồng.
  • Sau đó, bị can Nguyện Thị Loan – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex đã thông đồng với cán bộ của Ban quản lý dự án huyện Đông Anh cùng với những người khác thuộc Công ty thẩm định giá đầu tư Hà Nội can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực. Các bị can đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá và hạ giá trị khu đất còn xuống 300 tỉ đồng.
  • Hội đồng thẩm định giá đất đã duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá khu đất trên.
  • Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex lập nhiều công ty để làm “quân xanh, quân đỏ” tham gia đấu giá khu đất trên. Một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
  • Công an xác định chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bị can Loan đã bán với khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu đồng 1 m2 tùy vị trí. Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỉ đồng.

Nhận định rút ra

– Quỹ đất đươc sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất: Các ô đất thuộc dự án Xây dựng HTKT khu đấu giá QSD đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Đối ứng với quy định pháp luật, quỹ đất này được xếp vào quỹ đất do Ban quản lý dự án huyện quản lý mà Nhà nước chưa giao hoặc cho thuê để sử dụng phù hợp với khoản 3 điều 4 Thông tư 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP

+Mục đích sử dụng đất: Đất ở. Các ô đất trên cụ thể nằm trong dự án xây dựng nhà ở thương mại, có tên thương mại là Helianthus Center Red River.

+Tổng diện tích các ô đất là: 18.341,15 m2

+ Hiện trạng sử dụng đất vào thời điểm mang ra đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở: Dự án đã được làm hạ tầng kỹ thuật và chia phân ô đất rõ ràng

– Đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất: Ban quản lý dự án huyện Đông Anh

– Đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất: Công ty Đấu giá hợp danh số 5 – Quốc gia

-Đơn vị thực hiện thẩm định giá đất: Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội

– Công ty trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án: Công ty Cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm (Công ty Bắc Từ Liêm). Sau khi trúng đấu giá, Công ty Cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex để sử dụng bản quyền thương hiệu, nhãn hiệu cho dự án bất động sản có tên là Vimefulland.

Vụ việc của Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex có những hành vi mang dấu hiệu vi phạm nào?

*Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản

Các ô đất được mang ra đấu giá quyền sử dụng đất có giá thị trường thực tế vào thời điểm đó từ 60 – 70 triệu đồng/m2. Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội ban đầu thẩm định qua cũng phải xác định toàn bộ các ô đất có giá trị 500 tỷ đồng. Tuy nhiên giá khởi điểm đấu giá lại bị hạ xuống, chênh quá nhiều so với giá thị trường và thẩm định ban đầu khi chỉ còn khoảng 17,6 triệu đồng/m2. Kết quả là Công ty Bắc Từ Liêm trúng đấu giá với giá chỉ hơn 326 tỷ đồng (khoảng 20 triệu đồng/m2).

Trong một số trường hợp, tại sao Nhà nước không thực hiện việc giao đất cho một chủ đầu tư có nhu cầu mà lại cần phải qua phương thức đấu giá; đó một phần xuất phát từ một ưu điểm chính của hoạt động bán đấu giá tài sản đó là bên bán có thể bán được tài sản với giá cao nhất có thể, bên mua có thể được xác định là bên có mong muốn và có khả năng tài chính nhất để thực hiện dự án. Vậy mà trong thực tế vụ việc này, giao đất thông qua phương thức đấu giá tài sản nhưng giá trúng lại còn thấp hơn cả giá thị trường thực tế. Điều này có nghĩa là ngay cả khi mức giá là trên 70 triệu đồng/m2 vẫn có rất nhiều người trong thị trường muốn mua khu đất, nhưng khu đất này lại được giao cho một chủ đầu tư trúng đấu giá với mức chỉ 20 triệu đồng/m2.

Chỉ nhìn vào những con số trên, tạm chưa xét đến các hành vi của các chủ thể liên quan trong vụ việc, ta đã thấy một sự bất thường đến phi lý. 1 tỷ so với thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã là nhiều, mức chênh giá đến 200 tỷ là con số không hề nhỏ, không dễ để có thể nhầm lẫn, sai sót và cũng không khó để có thể phát hiện ra. Trong khi đó việc quản lý tài sản công, quản lý đất đai, quản lý hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất được pháp luật quy định chặt chẽ với sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, sở ban ngành có chuyên môn cao, một nghịch lý dễ dàng nhận thấy, nhưng tại sao với sự phối hợp quản lý của nhiều cán bộ, cơ quan mà cuối cùng lại để mức trúng đấu giá xuống thấp như vậy?

Nguyên nhân và kết quả luôn là một cặp phạm trù đi liền với nhau theo phép biện chứng duy vật, qua phân tích ở trên, có thể thấy để xảy ra kết quả đấu giá phi lý như vậy trên thực tế, không thể không có hành vi tác động của con người. Cụ thể, qua điều tra ban đầu của cơ quan CSĐT công an thành phố Hà Nội, các hành vi tác động thực tế này là các hành vi thông đồng, lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá giữa các bị can Nguyện Thị Loan và các cán bộ của Ban quản lý dự án huyện Đông Anh cùng với các bị can khác thuộc Công ty thẩm định giá đầu tư Hà Nội nhằm dìm giá trị khu đất xuống chỉ còn khoảng 300 tỉ đồng.

Vậy tại sao các bị can lại cùng thông đồng thực hiện hành vi dìm giá đất? Liệu việc dìm giá đất có nhằm mục tiêu giúp tiết kiệm vốn đầu tư để luân chuyển toàn bộ dòng vốn này vào việc thực hiện xây dựng dự án nhà ở thương mại một cách tốt hơn, đưa sản phẩm nhà ở thương mại chất lượng, tiện nghi tới người tiêu dùng với một mức giá rẻ hơn? Câu trả lời là không, các hành vi tiếp theo của các bị can sau khi trúng đấu giá qsdđ trên thực tế đã trả lời những câu hỏi trên. Công an xác định chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bị can Loan đã bán khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu đồng 1 m2 tùy vị trí. Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỉ đồng. Như vậy, hành vi bán lại các ô đất trên với giá thị trường chênh cao hơn nhiều so với giá trúng đấu giá đã là câu trả lời rõ ràng nhất, cho thấy mục đích, động cơ đằng sau các hành vi thông đồng, dìm giá trước đó của các bị can chính là nhằm kiếm lời chênh lệch từ việc mua được các ô đất đẹp với giá rẻ. Trong kinh doanh, lợi nhuận luôn là yếu tố mà các nhà đầu tư tìm kiếm, tuy nhiên lợi nhuận đó chỉ tốt đẹp khi được tạo ra dựa trên năng lực, kỹ năng tổ chức, lãnh đạo, óc tư duy, sáng tạo, nhạy bén với thị trường và tinh thần lao động hăng say. Còn trong vụ việc này, bị can Nguyễn Thị Loan cùng các bị can là cán bộ cơ quan nhà nước, công ty thẩm định giá lại muốn kiếm lời dựa trên những mánh khóe gian lận, làm thâm hụt ngân sách nhà nước mà cũng chính là tiền của của nhân dân lao động. Những hành vi trên đã xâm hại nghiêm trọng đến khách thể là trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại với số tiền rất lớn so với mức thu nhập bình quân còn khiêm tốn của mỗi người dân ở nước ta.

Qua đây, có thể thấy các hành vi của bị can Loan và các bị can cùng thông đồng khác có dấu hiệu phạm Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tại điều 218 BLHS 2015

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;

c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

*Vi phạm các quy định về quản lý đất đai

Bị can Loan chỉ là chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex và có nắm giữ số cổ phần chi phối các các công ty tham đấu gia quyền sử dụng đất. Dựa theo quy định về Luật Doanh nghiệp 2014, các công ty do bà Loan có quyền chi phối đều không phải doanh nghiệp nhà nước. Bị can Loan xét về pháp lý chỉ là công dân bình thường của nước Việt Nam, không có quyền hạn, chức vụ gì trong bộ máy nhà nước. Trong khi đó việc giao đất, quản lý đất luôn thuộc thẩm quyền của các cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, vậy nên để có thể tác động được vào quá trình đấu giá quyền sử dụng đất các ô đất trên, bắt buộc phải có hành vi vi phạm, tiếp tay từ các cá nhân có chức vụ, quyền hạn. Do đó đối với các hành vi của bị can Vương Thị Thu Thủy là Cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh còn có dấu hiệu phạm Tôi vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại điều 229 BLHS 2015

1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);

b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2);

c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;

b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

*Tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ

   Lợi ích luôn là yếu tố được các chủ thể trong các quan hệ xã hội hướng tới. Đó có thể là lợi ích vật chất như là một khoản tiền, hiện vật, vàng, kim khí, đá quý, các món quà có giá trị hay lợi ích tinh thần như thực hiện những việc giúp người khác thỏa mãn về mặt cảm xúc, tình cảm. Thông thường giữa hai chủ thể trong một quan hệ xã hội sẽ có rất ít khả năng một bên tự nguyện, không vụ lợi để giúp bên kia thực hiện các hành vi trái pháp luật, ảnh hưởng trước nhất đến danh dự, uy tín của mình. Do đó, nếu trong quá trình điều tra có thể làm rõ được các vấn đề về việc bị can Loan và các bị can cùng thông đồng khác có hành vi đưa hoặc sẽ đưa bất kỳ lợi ích vật chất, phi vật chất nào cho bị can là cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh hoặc những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước bị tình nghi liên quan đến vụ án, thì các bị can trong vụ án trên có thể xác định tương ứng phạm tội nhận hối lộ quy định tại điều 354 BLHS 2015:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian  nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;                

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá  1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

hoặc tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364 BLHS 2015:

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bịphạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặcphạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồngtrở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”

Có thể bạn quan tâm

Thông tin liên hệ Luật sư X

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về “Các sai phạm trong vụ trúng đấu giá đất của Công ty CP Y dược Vimedimex”. Luật sư X là đơn vị Luật uy tín, chuyên nghiệp; được nhiều cá nhân và tổ chức đặt trọn niềm tin về dịch vụ pháp lý. Được hỗ trợ và đồng hành để giải quyết những khó khăn về mặt pháp lý của quý khách là mong muốn của Luật sư X.

Nếu còn thắc mắc hoặc muốn sử dụng các dịch vụ thành lập công ty của chúng tôi; hãy liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Đất đai tại Việt Nam được phân loại như thế nào?

Theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, đất đai tại Việt Nam được phân loại căn cứ vào mục đích sử dụng đất. Theo đó, đất được chia làm 3 nhóm chính là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm: đất trồng cây hàng năm; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất nuôi trồng thủy sản; đất làm muối; đất nông nghiệp khác. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm: đất ở; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; đất sông, ngòi, kênh, rạch suối và mặt nước chuyên dùng; đất phi nông nghiệp khác. Nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng.

Tài sản công là gì?

Theo khoản 1 điều 3 Luật quản lý tài sản công 2017, Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Giá khởi điểm trong đấu giá là gì?

Giá khởi điểm là giá ban đầu thấp nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên; giá ban đầu cao nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm