Ăn bánh trung thu bị ngộ độc, ai phải bồi thường?

bởi Luật Sư X
Ăn bánh trung thu bị ngộ độc, ai phải bồi thường?

Trung thu đang đến gần nên loại bánh truyền thống của dịp lễ này – bánh trung thu được bày bán rất nhiều khắp các đường phố cũng như trong các đơn vị kinh doanh lớn, nhỏ. Các loại bánh này có rất nhiều nguồn gốc, từ các đơn vị sản xuất khác nhau do đó khó nắm bắt được chất lượng an toàn của sản phẩm. Vậy, nếu ăn bánh trung thu bị ngộ độc thì ai mới là người phải bồi thường? Bài viết sau sẽ phân tích một số quy định của pháp luật để làm rõ vấn đề trên.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Ngộ độc là gì?

Khái niệm Ngộ độc được quy định tại khoản 10 Điều 2 Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010 như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

10. Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.

Như vậy, ngộ độc thực phẩm có hai nguyên nhân là do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc hấp thụ thực phẩm có chứa chất độc. Hiểu theo cách đơn giản, ngộ độc thực phẩm không hoàn toàn là do lỗi của nhà sản xuất mà có thể xuất phát từ việc người bán hàng bán hàng quá hạn sử dụng hoặc hàng hoá không được bảo quan hợp lý theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong trường hợp ăn bánh trung thu bị ngộ độc, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc do sản phẩm bánh của nhà sản xuất không đảm bảo chất lượng hoặc do cửa hàng kinh doanh bán sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Do đó, dù là lỗi của nhà sản xuất hay do đơn vị kinh doanh, thì khi bị ngộ độc do ăn bánh trung thu người tiêu dùng vẫn được quyền đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010:

Điều 53. Khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm

5. Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Theo đó, quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Với quy định trên, ngộ độc do ăn bánh trung thu gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng nên nạn nhân được quyền yêu cầu người gây ra việc ngộ độc chi trả các chi phí điều trị và bồi thường các thiệt hại phát sinh.

2. Đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường

Như đã phân tích, ngộ độc bánh trung thu không hoàn toàn do nhà sản xuất gây ra mà còn có thể do lỗi của cửa hàng kinh doanh. Cho nên, để xác định chính xác đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường, người tiêu dùng cần có chứng cứ chứng minh rõ ràng nguyên nhân ngộ độc xuất phát từ đâu. Khi đã biết được nguyên nhân thì mới xác định rõ được đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu việc ngộ độc thực phẩm do lỗi của người bán hàng thì người đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra người tiêu dùng. Nếu cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân gây ngộ độc là do hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của cá nhân, tổ chức sản xuất thì cá nhân, tổ chức đó sẽ phải bồi thường.

Cách thức để yêu cầu bồi thường thông dụng và dễ dàng nhất cho nạn nhân bị ngộ độc là khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi nhà sản xuất hoặc đơn vị kinh doanh (gọi chung là bị đơn) cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường sẽ được thực hiện theo nguyên tắc quy định trong Bộ luật Dân sự, cụ thể:

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Ngoài ra, nạn nhân còn có thể yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại về tinh thần mà người đó đã phải gánh chịu với mức bồi thường tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở.

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm