Bảo hiểm y tế có bắt buộc phải mua hay không?

bởi Luật Sư X
Bảo hiểm y tế có bắt buộc phải mua hay không?

Bảo hiểm y tế là chính sách quan trọng hàng đầu trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Vậy bảo hiểm y tế là bắt buộc hay tự nguyện? Đây là câu hỏi nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé. 

Căn cứ pháp lý

  • Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014;
  • Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế;
  • Công văn 777/BHXH-BT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc hướng dẫn một số nội dung về thu bảo hiểm y tế;
  • Các văn bản hướng dẫn có liên quan khác.

Nội dung tư vấn

1. Bảo hiểm y tế là gì?

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Có thể thấy một số các đặc điểm của bảo hiểm y tế như sau:

  • Có đối tượng tham gia rộng rãi bao gồm hầu hết các thành viên trong xã hội không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp,…
  • Không nhằm bù đắp thu nhập cho người hưởng bảo hiểm như bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động,.. mà nhằm chăm sóc sức khỏe cho họ khi bị bệnh tật, ốm đau dựa trên quan hệ bảo hiểm y tế mà họ tham gia.
  • Là chi phí ngắn hạn, không phụ thuộc vào mức đóng, thời gian đóng mà phụ thuộc vào mức độ bệnh tật và khả năng cung ứng các dịch vụ y tế. 

2. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Không phải đối tượng nào cũng bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Theo đó chỉ có những đối tượng theo Luật định mới phải bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế.

Căn cứ theo Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định cụ thể như sau:

Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:

a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;

b) Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;

c) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;

d) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:

a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an;

b) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước;

c) Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước;

d) Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;

đ) Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;

e) Trẻ em dưới 6 tuổi;

g) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng;

h) Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;

i) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;

k) Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại điểm i khoản này;

l) Thân nhân của các đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

m) Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;

n) Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.

4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm:

a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

b) Học sinh, sinh viên.

5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

6. Chính phủ quy định các đối tượng khác ngoài các đối tượng quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này;….

Mặt khác tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, theo đó có 6 nhóm:

  • Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
  • Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng
  • Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
  • Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng
  • Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình
  • Nhóm do người sử dụng lao động đóng.

Như vậy có thể thấy rằng bảo hiểm y tế là bắt buộc với các đối tượng nêu trên, còn các đối tượng khác không thuộc một trong các trường hợp trên có thể tham gia hoặc không tham gia trên tinh thần tự nguyện. Do đó các cá nhân cần lưu ý xem mình có thuộc các đối tượng phải mua hay không để thực hiện theo quy định pháp luật đồng thời vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.

3. Có được tham gia đồng thời bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện hay không?

Bảo hiểm y tế tự nguyện là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, do người dân tự nguyện tham gia và được Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận.

Nếu như trước đây có 5 đối tượng chưa tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc sẽ được tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đó là: học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp; thân nhân mà mỗi người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình; xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; một số đối tượng khác. 

Tuy nhiên theo quy định mới tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì chỉ những đối tượng không thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc nêu trên mới được phép tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. 

Như vậy chỉ những đối tượng theo quy định đã phân tích ở trên mới phải tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc hay nói cách khác không phải đối tượng nào cũng phải mua bảo hiểm y tế. Những đối tượng không bắt buộc tham gia thì có thể lựa chọn hình thức bảo hiểm y tế tự nguyện. 

Bảo hiểm y tế mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia vì vậy mỗi người dân không nên đắn đo khi tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc hay tự nguyện mà nên tích cực chủ động tham gia. Nó vừa bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình, vừa giúp ích cho xã hội. 

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm