Bật nhạc ầm ĩ buổi đêm ở chung cư có bị phạt không?

bởi Luật Sư X

Thật khó chịu khi bị những hàng xóm thiếu ý thức làm phiền, họ bật nhạc ầm ĩ ở chung cư suốt đêm, bản thân chẳng có lấy một chút yên tĩnh để nghỉ ngơi. Liệu rằng hành vi của họ làm vậy có vi phạm pháp luật không? Bản thân bạn nên làm gì để giải quyết tình huống này? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X nhé.

Cơ sở pháp lý

  • Luật bảo vệ môi trường 2014;
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;
  • Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
  • Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;

Nội dung tư vấn

1. Khái quát về tiếng ồn:

Theo quy định tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn có quy định cụ thể từng khu vực như sau:

  • Khu vực thông thường (gồm khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55dBA (21 giờ đến 6 giờ);
  • Khu vực đặc biệt (gồm những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) là: 55dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 45dBA (21 giờ đến 6 giờ);

Để có căn cứ xác định mức ồn vượt quá giá trị tối đa cho phép theo Quy chuẩn 26:2010/BTNMT gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh, phải có đơn vị quan trắc đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đối với thông số tiếng ồn xác định theo trình tự, thủ tục.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và phải chịu xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định. Do vậy, khi xảy ra trường hợp một cư dân nào đó bật nhạc ầm ĩ buổi đêm ở chung cư thì những người bị ảnh hưởng hoàn toàn có thể gửi đơn phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân hoặc Công an nơi cư trú để xem xét, giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên:

Căn cứ tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định như sau:

Điều 6. Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;

b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;

c) Bán hàng ăn, uống, hàng giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

Như vậy theo quy định của pháp luật, trường hợp cư dân nào đó bật nhạc ầm ĩ trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau gây ảnh hưởng đến yên tĩnh chung tại khu dân cư là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng tùy theo từng trường hợp và mức đội vi phạm. Người bị ảnh hưởng có quyền phản ánh sự việc đến cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân hoặc Công an nơi cư trú để xem xét, giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xác định được việc bật nhạc ầm ĩ buổi đêm ở chung cư gây tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, thì có thể bị xử lý theo quy định tại điều 17 Nghị định 155/2016 cụ thể:

Điều 17. Vi phạm các quy định về tiếng ồn

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.

8. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

9. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

10. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.

11. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều này.

12. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;

b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều

Như vậy, tùy vào từng trường hợp gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn theo mức độ nào thì sẽ có mức phạt khác nhau, có thể phạt cảnh cáo hoặc là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành

Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm