Bữa ăn cuối cùng của tử tù như thế nào?

bởi

Những tên tội phạm đã gây ra những tội ác cho người khác và xã hội đương nhiên sẽ bị pháp luật trừng trị bằng bản ản thích đáng nhất đó là án tử hình. Tuy án tử hình tước đi sinh mạng của kẻ phạm tội nhưng suy cho cùng, những tên tội phạm cũng là những con người đã lầm đường lạc lối. Vì lẽ đó, pháp luật của Việt Nam nói riêng và của các nước trên thế giới nói chung vẫn thể hiện sự khoan hồng đối với những tử tù, tiêu biểu trong đó ân huệ về bữa ăn cuối cùng. Vậy bữa ăn cuối của các tử tù trên thể giới và ở Việt Nam như thế nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ:

  • Luật thi hành án hình sự 2010
  • Nghị định số 90/2015/NĐ-CP
  • Nghị định 47/2013/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Bữa ăn cuối dành cho tử tù ở các nước trên thế giới

Nhiều người, nhất là những người ở khu vực Á Đông vẫn thường quan niệm rằng có chết thì cũng nên làm một con ma no. Quan niệm này xuất phát từ tín ngưỡng tâm linh của các nền văn hóa từ rất lâu trong lịch sử loài người. Nhiều bút tích về đế chế La Mã kể lại rằng trước ngày ra đấu trường, khi mà đã sẵn sàng đương đầu với cái chết thì các võ sĩ sẽ ăn một bữa thật no. Nghi thức này như vừa để chuẩn bị cho một thể trạng sung mãn nhất khi ra đấu trường, nhưng cũng là một thông lệ nhằm an ủi những linh hồn của võ sĩ nếu có chẳng may thiệt mạng trên đấu trường.

Trong nền văn hóa cổ đại Trung Hoa cũng xuất hiện thông lệ về bữa ăn cuối của tử tù hay còn gọi là “cơm đoạn đầu” ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Cứ tới giờ Tý vào đêm trước khi bị đưa ra pháp trường, người tử tù sẽ được cai ngục sửa soạn cho một bữa ăn ngon.Người Trung Quốc cổ đại tin rằng chết khi no bụng là cái chết tôn nghiêm, giúp tử tù đầu thai vào gia đình tốt hơn ở kiếp sau. Ở thời Tống, Tống Thái Tổ khi vừa mới lập quốc đã đặt ra quy tắc mỗi tử tù trước khi chết sẽ được khẩu phần ăn đáng giá 5 quan tiền, đủ để có được bữa cơm thịnh soạn. Nhưng do quy tắc ngầm trong nhà lao và tham nhũng, số tiền này bị giảm đi đáng kể khi tới tay tử tù.

Thời nay, bữa ăn cuối cùng của từ tù là một nghi thức thông dụng ở nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia khác nhau sẽ có những quy định và cách thực chuẩn bị bữa ăn cuối cho người bị kết án tử hình theo những cách khác nhau sao cho phù hợp với điều kiện của nơi giam giữ. Tiêu biểu là tại Hoa Kỳ, khi hầu hết các tiểu bang đều chuẩn bị cho tử tù một bữa ăn thịnh soạn theo yêu cầu của phạm nhân trong một khoản tiền nhất định, mỗi tiểu bang sẽ có những quy định riêng về số tiền này. Một hoặc hai ngày trước khi bị thi hành án tử hình, những tử tù sẽ được quản giáo hỏi về yêu cầu đối với bữa ăn ân huệ này. Việc được hỏi như vậy các tử tù cũng hiểu được rằng thời gian đối với họ chỉ còn tính bằng giờ. Tuy vậy, không phải mọi yêu cầu của các tử tù đều được đáp ứng, đối với những yêu cầu về rượu hoặc thuốc lá thì các quản giáo rất hạn chế đáp ứng. Còn đối với những yêu cầu về các loại thực phẩm mà trại giam không thể đáp ứng được thì cũng được xem xét thay thế bằng những thử khác tương tự. 

Ví dụ như ở bang Florida, những yêu cầu của tù nhân chỉ được giới hạn trong mức 40 đô la và bắt buộc phải là những lương thực, thực phẩm có nguồn gốc từ địa phương. Còn ở bang Oklahoma thì mức biệt đãi không được cao cho lắm, chỉ ở mức 15 đô la cho bữa ăn cuối của các tử từ. Cũng có những trường hợp khá hy hữu khi người quản giáo tại bang Lousiana đã bỏ tiền túi của mình ra để chi trả cho món tôm hùm theo yêu cầu của người tử tù mà anh ta yêu mền. Dưới đây là những ví dụ cụ thể về những bữa ăn cuối của các tử tù đã được hồ sơ lưu giữ lại.

Đây là bữa ăn cuối của tù nhân Steven Happer bị kết án vì tội giết người được giam giữ tại nhà tù St. Louis thành phố Bristol, Vương Quốc Anh. Trong bữa ăn cuối, hắn đã yêu cầu được ăn một bữa sáng truyền thống của người anh gồm đậu, xúc xích, trứng gà, thịt nguội và khoai tây chiên,…

Đây là hình ảnh được lưu trữ lại trong hồ sơ của kẻ sát nhân có tên Teresa Lewis, 41 tuổi bị giam tại nhà tù bang Virginia, Hoa Kỳ. Bữa ăn cuối đã được chuẩn bị cho Lewis gồm có đùi gà chiên, đậu kèm bơ tươi, bánh táo và nước soda.

Đối với tù nhân Lee Willingham, phạm tội ngộ sát được giam giữ tại thành phố Seatle, Hoa Kỳ đã được ăn bữa ăn cuối gồm có bánh pizza, bánh mỳ que và mỳ spaghetti.

Tuy nhiên, cũng có một số nơi mà tử tù sẽ không may mắn được nhận ân huệ về bữa ăn cuối này. Tại bang Texas, mặc dù thông lệ về bữa ăn cuối đã từng được áp dụng đối với các tử tù từ năm 1924, tuy nhiên tới tháng 9/2011, tử tù tên Lawrence Brewer đã yêu cầu rất nhiều món (gồm hai miếng bít tết gà, ba bát fajitas, bánh hamburger phô mai, nửa cân thịt nướng hun khói, một bát đậu bắp nướng, bánh pizza, một thìa kem…) nhưng cuối cùng bỏ ăn vì lý do “không đói bụng”. Hành động ngỗ ngược của Lawrence khiến Sở Tư pháp bang Texas sau đó bãi bỏ thông lệ bữa ăn cuối cùng theo ý kiến khiếu nại của thượng nghị sĩ John Witmire. 

Ở Pháp, là một nơi không áp dụng thông lệ về bữa ăn cuối đối với các tử tù. Bởi lẽ, các tử tù ở đất nước này chỉ được thông báo về việc thi hành án vài giờ trước khi việc thi hành án bắt đầu. Thông thường, các tử tù chỉ được ưu ái trao cho một ly rượu rum nhỏ và một điếu thuốc để giữ được sự bình tính trước giờ thi hành án.

Có thể thấy, các quy định và cách thức thực hiện nghi thức về bữa ăn cuối dành cho các tử tù là vô cùng đa dạng giữa các vùng đất trên thế giới. Và tại Việt Nam cũng có những quy định cụ thể về vấn đề này.

2. Bữa ăn cuối dành cho tử tù tại Việt Nam

Bữa ăn cuối cùng của tử tù như thế nào?

Với lối văn hóa, tâm linh truyền thống của người Á Đông, Việt Nam cũng có quan niệm cho rằng người trước khi chết cần phải được đối đãi tử tế bằng cách cho ăn một bữa ngon và nó để dễ bề siêu thoát, không còn oán trách người trần nữa. Do vậy, tại Điều 8 Nghị định 47/2013/NĐ-CP quy định rằng: 

“…Người bị đưa ra thi hành án tử hình được hưởng tiêu chuẩn ăn, uống bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam”

Có thể thấy, pháp luật biệt đãi các tử tù trong bữa ăn cuối bằng một tiêu chuẩn gấp 5 lần tiêu chuẩn của các tử tù nhận được trong các ngày Lễ, Tết khi bị tạm giam. Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 nghị định 90/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 42 Luật thi hành án hình sự 2010 quy định về chế độ của tù nhân trong các ngày Lễ, Tết như sau:

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 90/2015/ND-CP quy định “Phạm nhân được Nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng: 17kg gạo tẻ thường; 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá; 0,5 kg đường loại trung bình; 01 kg muối; 15 kg rau xanh; 0,75 lít nước mắm; 0,1 kg bột bọt; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Chế độ ăn, nghỉ lao động trong các ngày Lễ, Tết của phạm nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 29, Khoản 1 Điều 42 Luật Thi hành án hình sự và Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2012.”

Khoản 1 Điều 42 Luật thi hành án hình sự 2010 quy định “Ngày Lễ, Tết theo quy định của pháp luật, phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường”

Như vậy, từ những quy định trên, có thể thấy rằng, tử tù có thể được ăn với tiêu chuẩn tối đa gấp 25 lần mức ăn của một ngày bình thường trong quá trình bị tạm giam. Tùy từng trại giam và cơ quan thi hành án ở những nơi khác nhau sẽ có những mức quy định chi tiết.

Bữa ăn cuối dành cho các phạm nhân tại Việt Nam và các nước trên thế giới là một hình thức nhằm an ủi, động viên những người tử tù trước thời khắc thi hành án. Đồng thời, nghi thức này còn thể hiện được tính khoan dung của pháp luật đối với các tử tù phạm trọng tội. 

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật hình sự tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm