Căn cứ pháp lý
- Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
- Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Nội dung tư vấn
1. Quy định về sử dụng vỉa hè
Tại Điều 3 Luật Giao thông đường bộ đã đưa ra giải thích rõ thế nào là đường bộ, đất của đường bộ theo khoản 1 và khoản 4 Điều này, cụ thể:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.
4. Đất của đường bộ là phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.
Từ các quy định trên có thể thấy vỉa hè được xác định là phần đất của đường bộ, thực chất nó chính là phần đất dọc hai bên đường bộ, còn thông thường chúng ta gọi phần đất đó bằng một cái tên quen thuộc “vỉa hè”.
Để đảm bảo những hoạt động diễn ra được ổn định, giữ gìn trật tự an toàn xã hội Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ
1. Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
2. Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.
3. Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
4. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
6. Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Đây là những nguyên tắc mang giá trị, tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt trong toàn bộ các quy định liên quan đến giao thông đường bộ. Nguyên tắc tựa như kim chỉ nam cho cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật khi xử lý hành vi vi phạm và là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của người tham gia giao thông đường bộ. Vì vậy bất cứ hành vi nào vi phạm nguyên tắc trên đều bị xử lý nghiêm minh.
2. Có được đá bóng trên vỉa hè không?
Hoạt động đá bóng có thể được xem là hoạt động thể thao, nhà nước ta luôn khuyến khích tinh thần thể thao. Tuy nhiên thể thao phải đúng chỗ, tức là phải được diễn ra hay thực hiện trong không gian cho phép như sân bóng,… có như vậy mới không gây ảnh hưởng đên sự vận hành các hoạt động khác và đảm bảo sự an toàn cho người chơi và người xung quanh.
Theo đó vỉa hè là phần đường, khu vực dành cho người đi bộ, pháp luật cấm các hành vi lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè để thực hiện các hoạt động trái phép làm ảnh hưởng đến tính chất của khu vực đó, làm mất mỹ quan đường phố, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, gây cản trở hoạt động lưu thông. Ví dụ như hành vi đá bóng trên vỉa hè nhưng sau đó bóng lăn xuống lòng đường, theo quán tính thì người chơi sẽ chạy theo giữ bóng mà không để ý đến xung quanh và vô tình gây ra tai nạn cho chính mình và cho cả những người vô tội đang tham gia giao thông trên đường.
Vì lẽ đó mà tại khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về hành vi bị cấm như sau:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
3. Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.
Trong trường hợp thực hiện việc đá bóng ở vỉa hè rõ ràng đã vi phạm hành vi bị cấm là sử dụng hè phố trái phép. Bởi vì hè phố dùng cho mục đích giao thông cụ thể là dành cho người đi bộ.
Quy định này xuất phát từ nguyên tắc đảm bảo sự an toàn tính mạng, mỗi cá nhân đều được quyền bất khả xâm phạm tính mạng, được phép sử dụng những công trình, hạ tầng kỹ thuật công cộng. Điều này không thể chối bỏ, hơn nữa để bảo đảm cho sự an toàn cho mọi người, đảm bảo sự vận hành, lưu thông đường bộ, tránh tình trạng ùn tắc và từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động liên quan sau đó. Do vậy nhà nước ta khuyến khích thể thao nhưng phải đúng nơi đúng chỗ thì mới được hợp pháp hóa.
Như vậy có thể khẳng định hành vi đá bóng trên vỉa hè là bị cấm theo quy định pháp luật.
3. Xử lý hành vi đá bóng trái phép trên vỉa hè
Về nguyên tắc khi người có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt tùy theo hành vi vi phạm, mức độ.
Theo điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau
Điều 11. Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ; sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy.
Theo đó nếu bạn đá bóng trên vỉa hè thì có thể bị xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Vì vậy để đảm bảo an toàn cho mình cũng như đảm bảo an toàn cho người khác, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, hãy lựa chọn cách chơi thể thao một cách lành mạnh, hợp pháp.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là nội dung tư vấn về Có được đá bóng ở vỉa hè hay không? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.
Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.