Hiện nay, việc công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài diễn ra ngày càng nhiều và dần trở nên phổ biến. Tại Việt Nam, công dân Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài, nhưng cơ quan cụ thể thực hiện việc đăng ký này là cơ quan nào và thủ tục đăng ký gồm các bước nào? Bài viết này sẽ cung cấp một số kiến thức nhất định về vấn đề đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.
Cơ sở pháp lý
Nội dung tư vấn
Đăng ký kết hôn là gì?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì kết hôn được định nghĩa như sau:
“Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”
Theo đó, tại Việt Nam chỉ chấp nhận cách thức duy nhất để xác lập quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ là đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Quan điểm pháp luật này được ghi nhận tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Điều 9. Đăng ký kết hôn
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân Việt Nam hoặc giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Tuy nhiên, dù là công dân Việt Nam hay người nước ngoài, khi tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam cần phải đáp ứng các điều kiện kết hôn nêu ở Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ không thực hiện đăng ký kết hôn giữa những người cùng giới tính dù cho một trong các bên đăng ký kết hôn là người nước ngoài.
Thẩm quyền đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 thì người nước ngoài được xác định là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Có thể hiểu, người nước ngoài là người không mang quốc tịch Việt Nam ba gồm người mang quốc tịch nước ngoài và người không có quốc tịch.
Như vậy, kết hôn với người nước ngoài là việc xác lập quan hệ vợ chồng giữa một bên là công dân Việt Nam với một bên là người mang quốc tịch nước ngoài hoặc là người không có quốc tịch.
Đối với việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn thông thường là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam theo quy định tại Luật Hộ tịch 2014, cụ thể như sau:
Điều 37. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ mà Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
Điều 18. Đăng ký kết hôn
1. Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.
Tóm lại, hầu hết các trường hợp đăng ký kết hôn với người nước ngoài thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Riêng đối với công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới kết hôn với công dân nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới tiếp giáp theo luật định thì thẩm quyền thực hiện việc đăng ký là Uỷ ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới ấy.
Hy vọng những thông tin Luật sư X cung cấp hữu ích với bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Mời bạn xem thêm: Đi đăng ký kết hôn, người đang đi tù có được thực hiện không
Câu hỏi thường gặp
Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân.
Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật bao gồm:
+ Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
+ Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
+ Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình.