Tham gia quân đội để bảo vệ tổ quốc là việc hết sức thiêng liêng và đáng trân trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những con người hăng hái, dũng cảm thì vẫn còn những người, vì nhiều lý do mà đào ngũ. Đây là những hành vi rất đáng lên án. Vậy đào ngũ sẽ bị xử lý như thế nào?
LSX xin đưa ra ý kiến tham khảo như sau:
Căn cứ
- Bộ luật hình sự 2015
- Nghị định 120/2013/NĐ-CP
- Thông tư 192/2016/TT-BQP
Nội dung tư vấn
Thế nào là đào ngũ?
Đào ngũ được hiểu là hành vi tự ý rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ. Có nghĩa là người này bỏ trốn, vắng mặt để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, việc vắng mặt này phải vượt quá giới hạn nhất định. Theo Thông tư 192/2016/TT-BQP thì vắng mặt trong thời gian từ 7 ngày trở xuống chỉ bị xem là “vắng mặt trái phép”. Phải vắng mặt trên 7 ngày thì mới bị coi là “đào ngũ”.
Như vậy, một chiến sĩ quân đội sẽ bị coi là đào ngũ nếu có đủ các yếu tố:
- Tự ý vắng mặt khỏi hàng ngũ
- Mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự
- Thời gian vắng mặt trên 7 ngày
Đào ngũ thì bị xử lý thế nào?
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi đào ngũ mà người vi phạm có thể bị xử lý theo các hình thức sau:
Xử lý trong quân đội
Điều 19 thông tư 192/TT-BQP quy định như sau:
Điều 19. Đào ngũ
1. Tự ý rời khỏi đơn vị lần đầu với mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì bị kỷ luật cảnh cáo hoặc giáng chức.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau, thì bị kỷ luật từ cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Gây hậu quả nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng;
c) Khi đang làm nhiệm vụ;
d) Lôi kéo người khác tham gia.
‘Nếu lần đầu vi phạm thì sẽ chỉ bị cảnh cáo hoặc giáng chức. Còn nếu rơi vào các trường hợp đặc biệt nêu trên thì sẽ bị kỷ luật nặng hơn, đến mức tước quân tịch hoặc buộc thôi việc.
Xử phạt hành chính
Nếu đào ngũ khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình thì sẽ bị xử phạt hành chính như sau (theo Nghị định 120/2013/NĐ-CP):
Điều 8. Vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mà đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện;
…
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả toàn bộ quân trang được cấp và buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
Ngoài việc bị phạt tiền ra thì người vi phạm sẽ bị bắt buộc thực hiện tiếp nghĩa vụ quân sự. “Chạy trời không khỏi nắng”!
Xử lý hình sự
Nếu hành vi đào ngũ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt hơn, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự (theo điều 402 bộ luật hình sự):
Điều 402. Tội đào ngũ
1. Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
…
Vẫn là hành vi đào ngũ giống như trên, nhưng nếu có một trong những dấu hiệu sau thì sẽ bị xử lý hình sự:
- Diễn ra trong thời kì chiến tranh
- Đã bị xử lý kỉ luật trước đó mà lại tái phạm
- Gây hậu quả nghiêm trọng
Hai điều kiện đầu khá dễ hiểu, thế nhưng gậy hậu quả nghiêm trọng là thế nào? Theo thông tư liên tịch 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP thì những trường hợp sau đây được coi là gây hậu quả nghiêm trọng:
- Làm chết một người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, nếu không thuộc các trường hợp trên đây;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31 % đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Nếu bị truy cứu hình sự về tội đào ngũ thì người vi phạm có thể phải chịu mức án cao nhất lên đến 12 năm.
Hành vi đào ngũ không chỉ bị xử lý bởi pháp luật mà chắc chắn còn bị lên án bởi cả xã hội. Vì vậy, hi vọng các đồng chí quân nhân luôn vững vàng trong tư tưởng, sẵn sàng trong hành động để tránh điều xấu hổ kia nhé.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ hôn nhân và gia đình tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay