Đến tuổi nghỉ hưu có bắt buộc phải nghỉ hưu không?

bởi Hoàng Hà

Dân gian có câu “Tre già măng mọc” nhằm chỉ việc những vị lão làng nhường vị trí lại cho thế hệ trẻ sau này. Tuy nhiên, không phải lúc nào các “vị lão làng” cũng sẵn sàng rời bỏ vị trí đã gắn bó từ lâu với mình. Vậy trong trường hợp người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu thì có bắt buộc phải nghỉ hưu không hay vẫn có thể tiếp tục làm việc. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết sau đây của Luật sư X để hiểu rõ hơn nhé.

Căn cứ:

  • Bộ luật lao động 2015
  • Nghị định 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức
  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Nội dung tư vấn

1. Tuổi nghỉ hưu là gì?

Theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật lao động 2012, tuổi nghỉ hưu của người lao động được xác định như sau:

“1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

 3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.”

Về trường hợp thứ ba, theo hướng dẫn của Nghị định 53/2015NĐ-CP xác định độ tuổi nghỉ hưu của các cán bộ, công chức như sau:

– Đối với các cá nhân sau thì  thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm, nhưng không vượt quá 60 tuổi:

a) Phó Trưởng Ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;

b) Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;

c) Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội;

d) Thứ trưởng Bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ;

đ) Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cấp phó các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương;

e) Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật;

g) Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng;

h) Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

i) Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;

k) Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

– Đối với những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm, nhưng không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

Như vậy, có thể thấy, tuổi nghỉ hưu bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ, tuy nhiên cũng có trường hợp tuổi nghỉ hưu cao hơn như đã nói ở trên nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ;
  2. Không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.

Hoặc thấp hơn nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.

2. Đến tuổi nghỉ hưu có bắt buộc nghỉ hưu không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đủ tuổi nghỉ hưu không là căn cứ để người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà còn phải đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Do đó, trong trường hợp đã đến tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ có các phương án giải quyết sau:

  • Nếu người người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì thủ tục, hồ sơ giải quyết để người lao động hưởng lương hưu được quy định tại Điều 119, Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội.
  • Nếu người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định trên mà vẫn muốn tiếp tục làm việc và người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu thì người lao động tiếp tục làm việc và tham gia BHXH bắt buộc theo quy định để đủ thời gian đóng. Và trong trường hợp này, các bên cần ký một hợp đồng lao động mới nhưng với đối tượng là người lao động cao tuổi và ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.

Từ các căn cứ trên, có thể kết luận, đến tuổi nghỉ hưu không bắt buộc phải nghỉ hưu, chấm dứt quan hệ lao động.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư X về vấn đề “Đến tuổi nghỉ hưu có bắt buộc phải nghỉ hưu không?”. 

Hy vọng bài viết hữu ích với mọi người!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ tư vấn pháp luật lao động tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm