Chu kỳ sống của một đời người đều có hạn, không thể trường tồn mãi cũng như sức lao động cũng vậy. Đến một độ tuổi nào đó sức lao động sẽ không còn sung sức như hồi còn trẻ và kéo theo đó là nhu cầu về nghỉ ngơi tăng lên, khả năng lao động giảm đi. Do đó quy định về độ tuổi nghỉ hưu luôn là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước ta và cả người lao động. Vậy bao nhiêu tuổi được nghỉ hưu? Có thể tăng tuổi nghỉ hưu trong những trường hợp nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé!
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Lao động năm 2012;
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Nội dung tư vấn
1. Quy định pháp luật về độ tuổi nghỉ hưu
Độ tuổi nghỉ hưu với từng đối tượng khác nhau có sự khác nhau được quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012 như sau:
Điều 187. Tuổi nghỉ hưu
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Điều 187 quy định về tuổi nghỉ hưu khác nhau cho ba nhóm người lao động: nhóm người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi trung bình mang tính đại trà, nhóm người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và nhóm người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn. Độ tuổi nghỉ hưu khác nhau của những nhóm người lao động này được xác định không chỉ dựa trên cơ sở sinh học, mức suy giảm khả năng lao động, điều kiện lao động, tính chất công việc như trước đây, mà Điều 187 còn bổ sung thêm điều kiện về trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác của người lao động. Do các đối tượng người lao động được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc ở tuổi cao hơn không mang tính đại trà, phổ biến, nên khoản 4 của Điều luật quy định Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể trong các nghị định.
Đối với nhóm người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi trung bình mang tính đại trà:
Khoản 1 Điều luật quy định cùng với điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên) thì người lao động được hưởng lương hưu khi lao động nam đủ 60 tuổi, lao động nữ đủ 55 tuổi.
Độ tuổi nghỉ hưu này được pháp luật lao động, ngay từ khi ra đời đến nay, đã xác định và làm căn cứ để người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng. Do được kiểm nghiệm trên thực tế, áp dụng trong khoảng thời gian lâu dài, nên quy định này không chỉ phù hợp với sức khỏe, sự lão hóa, khả năng lao động của người lao động Việt Nam, mà còn phù hợp với nhu cầu của người lao động cũng như bảo đảm nguồn quỹ tài chính ổn định đủ khả năng chi trả. Trong quá trình lập pháp, tuy có nhiều ý kiến về độ tuổi khác nhau giữa lao động nam và lao động nữ, song dựa trên nhiều cơ sở khoa học như đã nêu, với độ tuổi xác định trong điều luật này là hợp lý.
Đối với nhóm người lao động nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn:
Độ tuổi thấp hơn được xác định so với độ tuổi được quy định ở khoản 1 nêu trên, theo đó, người lao động được nghỉ hưu sớm hơn so với trường hợp trên từ 5 đến 10 năm tuổi đời, cá biệt có trường hợp không phụ thuộc vào tuổi đời, song phải bảo đảm các điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên, mức suy giảm khả năng lao động và tính chất công việc. Nhóm này gồm các đối tượng:
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động. Mốc xác định khả năng lao động bị suy giảm để được hưởng lương hưu ở tuổi thấp hơn theo quy định của pháp Luật Bảo hiểm xã hội là 61% trở lên. Vì vì với mức suy giảm khả năng lao động này, người lao động khó khăn trong thực hiện việc làm theo yêu cầu chung. Với thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên cùng với điều kiện làm việc bình thường, thì người lao động trong trường hợp đó được nghỉ hưởng lương hưu thấp hơn độ tuổi trung bình tối đa tới 10 năm tuổi đời. Trường hợp người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có mức suy giảm khả năng lao động này trở lên và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm trở lên thì không phụ thuộc tuổi đời;
- Người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là công việc thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20
Lưu ý:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, riêng đối tượng nữ cán bộ xã, phường, thị trấn thì chỉ cần đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội 1 năm trở lên thì được nghỉ hưu sớm hơn trường hợp trung bình tới 10 năm tuổi đời;
- Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định, có thời gian làm công việc hoặc làm việc ở các vùng trên từ đủ 15 năm trở lên, thì được nghỉ hưu sớm 5 năm so với trường hợp trung bình. Ngoài ra, người lao động thuộc lực lượng vũ trang, do đặc trưng công việc và nhằm ưu đãi đối với lực lượng lao động đặc biệt này, pháp luật quy định họ cũng được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn 5 năm so với trường hợp bình thường trong lĩnh vực dân sự (trừ trường hợp có quy định khác).
Như vậy, khoản 2 điều luật này quy định một số trường hợp người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn so với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều luật là hợp lý, có tính khoa học và phù hợp với điều kiện cụ thể cũng như khả năng lao động của người lao động. Đồng thời, quy định đó cũng nhằm thu hút và phân bổ lực lượng lao động trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước.
- Đối với nhóm người lao động nghỉ hưu ở tuổi cao hơn: Đây là quy định mới được bổ sung trong BLLĐ năm 2012, nhằm tận dụng kinh nghiệm của người lao động trong một số trường hợp, giảm gánh nặng chi trả trợ cấp của quỹ bảo hiểm xã hội và phù hợp với thực tế sử dụng lao động ở Việt Nam, đồng thời thể hiện sự thống nhất với các ngành luật khác và phù hợp với quy định của pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhóm người nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi trung bình bao gồm: Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao như giảng viên trong các trường đại học có trình độ tiến sĩ, hoặc có chức danh phó giáo sư, giáo sư; thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cán bộ, công chức nữ giữ một số chức vụ, chức danh quản lý. Theo đó, tùy từng đối tượng tương ứng với trình độ chuyên môn, chức danh, chức vụ đảm nhiệm của người lao động mà thời gian kéo dài tuổi nghỉ hưu từ 5 năm đến 10 năm.
- Đối với những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thì thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 05 năm, nhưng không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
2. Những bất cập trong quy định về tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động
Điều 187 của Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ.
Quy định về tuổi nghỉ hưu nêu trên đang tỏ ra không phù hợp với thực tế, bởi lẽ: Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước hiện nay là 73,4 năm, trong đó nam là 70,8 năm, nữ là 76,1 năm(1) ; trong khi, tuổi hưu trung bình của nam là 54,2 tuổi (Luật quy định là 60 tuổi) và nữ là 52,6 tuổi (Luật quy định là 55 tuổi). Điều này có nghĩa là, thời gian mà người lao động sau khi nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục làm việc là còn rất dài (trung bình là của nam là 16,6 năm; nữ là 23,5 năm). Sẽ lãng phí nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội nếu không tận dụng được nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có trình độ. Ngoài ra, thực tiễn thị trường lao động cho thấy nhiều người đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, làm việc thêm và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp. Vì vậy, việc nâng tuổi nghỉ hưu là có thể thực hiện được.
Trong khi đó, dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số(2) , trong tương lai thì lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Các chuyên gia kinh tế lao động chỉ ra rằng: Đa số các quốc gia có từ 40 năm đến 60 năm để chuẩn bị cho thời kỳ dân số già, trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 15 năm; thời gian chuẩn bị cho thời kỳ dân số già quá ngắn, đòi hỏi Việt Nam phải có sự điều chỉnh các chính sách phát triển kinh tế – xã hội một cách nhanh chóng, dứt khoát và phù hợp… Việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động, góp phần tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có trình độ, kinh nghiệm trong bối cảnh sức khỏe người lao động càng cải thiện. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy, để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động, cần điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước lên tới 67 tuổi. Đây cũng là một giải pháp quan trọng để bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
3. Quy định độ tuổi nghỉ hưu riêng của quân nhân chuyên nghiệp
Đây là nhóm đối tượng đặc thù do vậy quy định về độ tuổi được nghỉ hưu như sau:
Điều 17 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định về thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp như sau:
Điều 17. Thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau:
a) Phục vụ có thời hạn ít nhất là 06 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp;
b) Phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm:
a) Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;
b) Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi;
c) Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
3. Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm.
4. Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.
Như vậy, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với trung tá quân nhân chuyên nghiệp là 54 tuổi. Trường hợp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm theo quy định trên.
Tóm lại, với mỗi đối tượng người lao động sẽ có quy định về độ tuổi nghỉ hưu khác nhau. Điều này xuất phát từ tính chất công việc, môi trường làm việc, khả năng, trình độ của người lao động mà độ tuổi nghỉ hưu sẽ có sự chênh lệch. Việc đặt ra độ tuổi nghỉ hưu được xem xét trên nhiều phương diện, sự tác động của nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư lao động tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833102102