Hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc do tài xế say xỉn sau mỗi cuộc nhậu, nhiều người tự hỏi: Tại sao các nhà hàng, quán nhậu không phát triển dịch vụ đưa người say về nhà để đảm bảo an toàn cho khách và tránh những tai nạn không đáng có?
Thực trạng buồn
Thống kê trong ba tháng đầu năm 2019, liên tiếp xảy ra các vụ say rượu lái xe gây tai nạn.
Theo số liệu mới nhất của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó, nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ).
Đỉnh điểm là vụ tai nạn thương tâm tại hầm Kim Liên (Hà Nội) hôm 1.5 khiến dư luận vô cùng bức xúc trước tình trạng người say xỉn lái xe gây hậu đặc biệt nghiêm trọng. Vài ngày trước, ở Hà Nội cũng xảy ra vụ việc chị lao công nghèo bị xe tông chết, lái xe cũng uống rượu bia trước đó. Rồi ở Bình Định từng có tài xế Lexus sau khi uống bia rượu đã tông xe vào những người đưa tang.
Trước thực trạng đó, nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao ở Việt Nam chưa phát triển dịch vụ đưa người say về nhà để đảm bảo an toàn và tránh những tai nạn thảm khốc không đáng có?
Vì sao khó khả thi?
Trao đổi với PV Lao Động, anh Phạm Đức Duy, chủ một nhà nhà hàng trên phố Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ quan điểm rằng, dịch vụ này là một giải pháp tạo ra sự an toàn, nhưng khó thực hiện trong thực tế.
“Ở quán tôi, mỗi ngày có mấy trăm khách, trong đó không ít người say, làm sao chúng tôi bố trí đủ người và xe đưa họ về nhà? Còn nếu thuê thêm nhân viên đảm nhiệm công việc này thì phải thu thêm một khoản phí từ khách hàng. Phần đa khách hàng đều không muốn mất thêm khoản phí đó, dù việc say xỉn là có thật”, anh Duy bày tỏ.
Đồng quan điểm với anh Duy, anh Trần Công Nghĩa, chủ quán ăn ở phố Tăng Bạt Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết thêm: “Tôi gặp nhiều trường hợp khách say xỉn còn rất cứng đầu không nhận mình say, cố chấp không cho chúng tôi đưa về mà khăng khăng tự lái xe. Có hơi men trong người, họ sẵn sàng gây hấn nếu mình cố khuyên can. Thậm chí có những khách say mềm không đọc được địa chỉ nhà, khiến chúng tôi cũng chỉ còn cách bó tay”.
Còn xét từ góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, thực tế sẽ này sinh rất nhiều vấn đề bất cập như: Lực lượng nào sẽ đưa người say về nhà? Người say không nhớ địa chỉ, lúc ấy phải đưa họ về đâu cho an toàn? Hoặc xảy ra cướp rồi thả người say đâu đó, hay khách nữ say bị hiếp dâm thì phải giải quyết thế nào và ai sẽ chịu trách nhiệm?
Bên cạnh ý kiến của chuyên gia thì chính người trong cuộc cũng lên tiếng về vấn đề nan giải này.
Anh Nguyễn Hữu Hùng, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho hay có thói quen ngồi nhậu cùng anh em bạn bè sau mỗi ngày công việc mệt mỏi. “Một khi đã say thì khó có thể kiểm soát được bản thân và luôn nghĩ là mình đủ tỉnh táo để có thể tự đi về nhà. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại”, người đàn ông này nói và cho biết thêm dịch vụ này muốn thực hiện được hay không phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của mỗi tài xế khi sử dụng bia rượu.
Bạn uống, tôi lái
Ở Trung Quốc, có một hãng chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê tài xế lớn là eDaijia. Một năm hãng này phục vụ cho trên 250 triệu lượt đặt xe ở khắp Trung Quốc. Giá lái xe thuê chỉ đắt hơn giá cước taxi từ 1,5 – 2 lần vậy nên dịch vụ này rất được ưa chuộng.
Còn đối với Việt Nam, hiện tại cũng đã có công ty cung cấp dịch vụ tìm tài xế cho người say thông qua ứng dụng của họ. Tuy nhiên số người say biết và sử dụng đến dịch vụ này còn hạn chế.
“Tuy gặp vấn đề từ nhiều phía nhưng trong thời gian tới các hãng taxi nên kết hợp với các nhà hàng, quán nhậu để triển khai dịch vụ taxi giá rẻ cho người say với phương châm “giá rẻ, an toàn và tiện lợi”, một chủ nhà hàng nêu ý tưởng.
Báo chí đưa tin về chúng tôi: https://laodong.vn/xa-hoi/dich-vu-dua-nguoi-say-ve-nha-vi-sao-khong-kha-thi-731431