Điều kiện chuyển nhượng cổ phần mới nhất năm 2021?

bởi

Pháp luật doanh nghiệp mới nhất năm 2020 quy định về điều kiện chuyển nhượng cổ phần như thế nào? Có phải loại cổ phần nào cũng có thể chuyển nhượng? Hãy tham khảo thông qua bài viết dưới đây của Luật sư X.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp 2020
  • Luật chứng khoán 2019
  • Nghị định 78/2015

Nội dung tư vấn:

1. Điều kiện chuyển nhượng cổ phần

1.1. Điều kiện chuyển nhượng cổ phần đối với cổ phần phổ thông

Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì cổ đông phổ thông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông đối với cổ đông sáng lập hoặc Điều lệ quy định khác. Theo đó, có các hạn chế cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển cho người không phải cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó. Cần phải lưu ý, số cổ phần phổ thông bị hạn chế chuyển nhượng này là số cổ phần phổ thông mà cổ đông mua khi góp vốn thành lập doanh nghiệp (nằm trong số 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp), không tính số cổ phần mua những lần kế tiếp.

Thứ hai, nếu Điều lệ công ty có quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

1.2. Điều kiện chuyển nhượng cổ phần đối với cổ phần ưu đãi

1.1.1. Cổ phần ưu đãi biểu quyết

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế. Bởi vì cổ phần ưu đãi biểu quyết là loại cổ phần có số biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông nên nhằm giúp doanh nghiệp có thể ổn định khi vừa mới thành lập và hoạt động bằng việc hạn chế sự thay đổi trong cơ cấu, quyết định của doanh nghiệp.

1.1.2. Cổ phần ưu đãi cổ tức

Loại cổ phần này có thể chuyển nhượng như cổ phần phổ thông. Bản chất cổ phần ưu đãi cổ tức chỉ mang ý nghĩa giá trị về mặt vật chất, tức là được nhận nhiều cổ tức hơn so với các cổ phần khác, nó không mang tính ảnh hưởng lớn đến hoạt động điều hành của công ty.

Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020, quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức giống như các quyền khác như cổ đông phổ thông (tức là cổ phần ưu đãi cổ tức được chuyển nhượng tự do như cổ phần phổ thông trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần), ngoại trừ: cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

1.1.3. Cổ phần ưu đãi hoàn lại

Giống như cổ phần cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại được chuyển nhượng và người sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại cũng có các quyền giống như sở hữu cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại sẽ có quyền yêu cầu hoàn lại vốn góp hoặc việc hoàn lại sẽ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần, tức là không mang tính ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.

2. Cách thức chuyển nhượng cổ phần

Theo quy định tại khoản 2, điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 thì việc chuyển nhượng có thể được thực hiện theo hai cách: Chuyển nhượng bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.

2.1. Chuyển nhượng theo cách thông thường bằng hợp đồng

Đây được xem như một hợp đồng dân sự mua bán chuyển nhượng của phần giữa bên chuyển nhượng (bên bán) và bên nhận chuyển nhượng (bên mua). Hai bên có thể thỏa thuận về giá chuyển nhượng, số cổ phần chuyển nhượng, cách thức thanh toán… Hợp đồng được lập bằng văn bản và phải có chữ ký của cả hai bên hoặc do người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Việc chuyển nhượng vẫn phải tuân thủ các điều kiện chuyển nhượng cổ phần.

2.2. Chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán

Bằng cách khác, cổ đông CTCP có thể chuyển nhượng cổ phần của mình thông qua giao dịch chứng khoán trực tiếp hoặc gián tiếp khi đáp đứng được quy định của pháp luật. Cụ thể, Khoản 2, điều 127 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.”

3. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần

Phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện chuyển nhượng cổ phần theo quy định pháp luật.

3.1. Đối với cổ phần của cổ đông sáng lập

  • Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
  • Lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
  • Tổ chức cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.
  • Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.
  • Tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định.

3.2. Đối với cổ phần của cổ đông phổ thông

  • Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
  • Lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
  • Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông.
  • Tiến hành đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên với Cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có).

Trên đây là bài viết về điều kiện chuyển nhượng cổ phần mới nhất, bạn có thể tham khảo nhiều hơn tại https://lsx.vn/

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm