Thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao lâu để được hưởng chế độ thai sản? Mức hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ? Đây là những vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Dưới đây là tư vấn của Luật sư X về những thắc mắc trên.
Căn cứ:
- Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
- Nghị quyết 70/2018/QH14
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
Nội dung tư vấn
1. Đối tượng hưởng chế độ thai sản
Người lao động tham gia BHXH, khi sinh con, nhận con nuôi dưới 6 tháng, mang thai hộ….sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người lao động được hưởng chế độ thai sản phải thuộc một trong các đối tượng sau:
- Lao động nữ mang thai
- Lao động nữ sinh con
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Đóng bảo hiểm bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản ?
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Tùy theo từng trường hợp mà pháp luật quy định thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để có thể được hưởng chế độ thai sản khác nhau.
- Đối với trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì người lao động cần phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
- Đối với trường hợp phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cần đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con là sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Lưu ý: Trường hợp người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
3. Mức hưởng chế độ thai sản ?
Pháp luật đã quy định về mức hưởng chế độ thai sản tại Điều 36 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, mức hưởng chế độ thai sản của người lao động như sau:
- Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội
- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định
- Thời gian nghỉ việc được hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH
Ví dụ: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là 5 triệu đồng/tháng; lao động nữ nghỉ sinh 06 tháng => Tiền hưởng chế độ thai sản của lao động nữ là 5 triệu đồng x 6 tháng = 30 triệu đồng.
4. Mức trợ cấp một lần
Tại Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động có thể hưởng trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp một lần được tính như sau:
- Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
- Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.”
Lưu ý: Từ ngày 01/07/2019, mức lương cơ sở sẽ chính thức tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị quyết 70/2018/QH14). Như vậy, mức hưởng trợ cấp một lần theo chế độ thai sản là 2,98 triệu đồng; tăng thêm 200.000 đồng so với trước đây.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn
Trân trọng
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay