Gọi điện thoại khủng bố, đe dọa người khác bị xử lý thế nào?

bởi Luật Sư X
Gọi điện thoại khủng bố, đe dọa người khác bị xử lý thế nào?

Gần đây hay xuất hiện tình trạng gọi điện thoại khủng bố, đe dọa người khác vì nhiều mục đích khác nhau. Vậy hành vi đe dọa trên có vi phạm pháp luật không? Và có người thực hiện hành vi đó có thể bị xử lý thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Luật sư X:

Căn cứ:
 

  • Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2018 Luật Viễn thông
  • Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017
  • Nghị định174/2013/NĐ-CP

Nội dung tư vấn:

Hiện nay, trình trạng gọi điện thoại khủng bố, đe dọa người ngày ngày càng có chiều hướng gia tăng với nhiều diễn biến phức tạp.

Thủ đoạn, phương thức hoạt động của hành vi này cũng ngày càng tinh vi hơn, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin không ngừng phát triển. Nhiều đối tượng đã loại dụng công nghệ gọi điện thoại, nhắn tin qua internet có thể hiển thị giả mạo các đầu số giống danh bạ của cơ quan chức năng, công an, bảo vệ pháp luật… khiến cho người nhận được các tin nhắn, hay cuộc gọi cảm thấy bối rối, lo sợ, hoặc tin tưởng nên buộc phải làm theo yêu cầu của những kẻ nhắn tin đe dọa, tống tiền, hoặc lừa đảo dẫn tới nhiều hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng. 

1. Gọi điện thoại khủng bố, đe dọa người khác là gì?

“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.” Quyền này được pháp luật Việt Nam quy định và được ghi nhận tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015. Mọi hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều vi phạm pháp luật và có những hình phạt nhất định.

Theo quy định của Luật Viễn thông, hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là hành vi bị nghiêm cấm.

Do vậy, việc cá nhân nào đó có hành vi dùng điện thoại, các phương tiện viễn thông để khủng bố, đe dọa người khác thì tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

2. Xử phạt hành chính

Về xử lý hành chính: căn cứ điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định:  

Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
…..
3. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Cụ thể, pháp luật quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Người bị quấy rối có thể báo (trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông khi nhận được khiếu nại, tố cáo của khách hàng về việc quấy rối qua điện thoại cần theo dõi, kiểm tra, xác minh và yêu cầu chủ thuê bao ngừng ngay việc quấy rối.

Nếu chủ thuê báo quấy rối cố tình vi phạm, doanh nghiệp đó ngừng cung cấp dịch vụ, đồng thời báo cáo kết quả cho Sở Thông tin và truyền thông địa phương của người khiếu nại, người quấy rối để xử lý vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, tùy vào mức độ, tính chất và có đủ căn cứ, hành vi quấy rối qua điện thoại sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự.

3. Xử lý hình sự

Với mức độ và nội dung nghiêm trọng, có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì người có hành vi gọi điện thoại khủng bố, đe dọa người khác có thể bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017:

Thứ nhất, tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 – Bộ luật Hình sự như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

  1. Phạm tội 02 lần trở lên;
  2. Đối với 02 người trở lên;
  3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  4. Đối với người đang thi hành công vụ;
  5. Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
  6. Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
  7. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

  1. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
  2. Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Thứ hai, tội vu khống quy định tại Điều 156 – Bộ luật Hình sự như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

  • Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
  • Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

  1. Có tổ chức;
  2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  3. Đối với 02 người trở lên;
  4. Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
  5. Đối với người đang thi hành công vụ;
  6. Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
  7. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
  8. Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

  1. Vì động cơ đê hèn;
  2. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
  3. Làm nạn nhân tự sát.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Thứ ba, tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 – Bộ luật Hình sự: đối với việc gọi điện mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng với các hành động khác nhằm làm cho người bị đe dọa biết việc giết người là có thể xảy ra và làm cho họ tin rằng nếu họ không thực hiện các yêu sách của kẻ đe dọa thì tính mạng của họ hoặc những người thân thích của họ có thể bị đe dọa, hành vi này thỏa mãn tội Đe dọa giết người được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, pháp luật quy định “Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.

Tóm lại, hành vi gọi điện khủng bố, đe dọa người khác dù vì mục đích nào thì đều là hành vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp có đủ cơ sở xử lý về hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với người vi phạm. Trong trường hợp vi phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính đồng thời áp dụng một số biện pháp khác theo quy định của pháp luật buộc người vi phạm chấm dứt hành vi.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

2/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm