Điều khiển xe máy lao vào cảnh sát giao thông bị phạt như thế nào?

bởi
Điều khiển xe máy lao vào cảnh sát giao thông bị phạt

Liên quan đến vụ việc Nam sinh Đỗ Văn Thắng (2003) điều khiển phương tiện giao thông không đội mũ bảo hiểm, lưu thông với tốc độ cao đâm trực diện vào đồng chí CSGT gây trọng thương. Vậy điều khiển xe máy lao vào cảnh sát giao thông bị phạt như thế nào?

Căn cứ:

  • Bộ luật hình sự 2015
  • Bộ luật dân sự 2015
  • Luật giao thông đường bộ 2008
  • Luật xử lí vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2017
  • Thông tư 12/2017/TT-BGTVT
  • Nghị định 46/2016/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

Nội dung vụ việc

Đỗ Văn Thắng ( sinh năm 2003, ngụ xã Thái Sơn, huyện An Lão) điều khiển xe máy với tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm trên tỉnh lộ 354 thì gặp chốt kiểm soát giao thông của Công an huyện An Lão. Thượng úy Nguyễn Trọng Quý ra tín hiệu để Thắng dừng xe nhưng đối tượng này không chấp hành và cho xe lao thẳng vào người thượng úy Quý.

Vụ va chạm khiến thượng úy Quý bị hất tung, gãy tay, đa chấn thương và đang được cấp cứu tại bệnh viện. Đỗ Văn Thắng đã bị tạm giữ phương tiện ngay sau khi vi phạm để điều tra.

Thông tin từ Công an huyện An Lão cho biết, ngoài việc không đội mũ bảo hiểm, trước khi gây ra tai nạn cho thượng úy Nguyễn Trọng Quý, Đỗ Văn Thắng còn bị bắn tốc độ, khi lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, Thắng đã bỏ chạy. Vậy câu hỏi đặt ra là điều khiển xe máy lao vào cảnh sát giao thông bị phạt như thế nào?

Điều khiển xe máy tông vào công an phải chịu những trách nhiệm pháp lý gì?

Trách nhiệm hình sự:

Thứ nhất, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Theo Điều 12 Bộ luật hình sự quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Biện tại Thắng đã trên 14 tuổi nên phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích do mình gây ra thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc khung phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Thứ hai, tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật hình sự. 

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Trong trường hợp này, đồng chí CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự giao thông trên tuyến đường (là người thi hành công vụ); hành vi của Thắng là hành vi dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự, tuổi chịu trách nhiệm hình sự của tội chống người thi hành công vụ là từ đủ 16 tuổi trở lên. Vì vậy, việc xác định hành vi có cấu thành tội danh này hay không cần xác định tuổi của Thắng. Nếu Thắng đã đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật thì Thắng phải chịu trách nhiệm về tội danh này.

Trách nhiệm dân sự:

Theo Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Thêm vào đó, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Trong trường hợp này, Thắng là người chưa thành niên nên bố, mẹ em phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp trên.

Trách nhiệm của chủ phương tiện khi không đủ điều kiện tham gia giao thông

Tuỳ vào mức độ và tính chất hành vi gây ra mà người giao xe sẽ bị xử lí theo các quy định khác nhau.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp này, người giao xe biết rõ Thắng không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (không có giấy phép lái xe…) nhưng vẫn giao phương tiện cho Thắng điều khiển, và hành vi đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sau:

Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Xử lí vi phạm hành chính​​​​​​

Trong trường hợp chưa đủ dấu hiệu hậu quả được mô tả trong cấu thành tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 264, người giao xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể: Điểm đ Khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.

4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
….
đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).”

Trách nhiệm dân sự

Chịu trách nhiệm bồi thường cho người và tài sản bị thiệt hại do hành vi vi phạm luật giao thông của mà người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông gây ra theo quy định của Bộ Luật dân sự.

Mời bạn đọc tham khảo: Không ký biên bản vi phạm giao thông là không cần phải nộp phạt?

Câu hỏi thường gặp

Điều khiển xe máy lao vào cảnh sát giao thông có phải đi tù không?

Câu trả lời là có thể. Việc điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn, trong trường hợp này là cảnh sát giao thông thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc chịu trách nhiệm hình sự hoàn toàn có thể dẫn tới việc phải chấp hành hình phạt tù.

Cho người không có bằng lái xe mượn xe để tông vào cảnh sát giao thông thì có phải chịu trách nhiệm không?

Câu trả lời là có. Chủ phương tiện vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm cùng với người gây ra tai nạn trong trường hợp người cầm lái không đủ điều kiện để điều khiển xe nhưng lại tông vào cảnh sát giao thông.

Nếu người lái xe tông vào cảnh sát giao thông chưa đủ tuổi vị thành niên thì có phải chịu bồi thường không?

Câu trả lời là có. Tuy nhiên, tuổi phải chịu trách nhiệm dân sự là đủ 18 tuổi. Như vậy, trong trường hợp này, bố, mẹ người gây ra tai nạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là tư vấn của Luật sư X về Điều khiển xe máy lao vào cảnh sát giao thông bị phạt. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư X; hãy liên hệ 0833.102.102.

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm