Khám xét chỗ ở là gì?

bởi
Khám xét chỗ ở là gì?

Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Vậy khi nào công an có quyền khám xét chỗ ở của công dân? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn:

1.Khám xét chỗ ở là gì?

Để hiểu “Khám xét chỗ ở” là gì, trước hết chúng ta cần hiểu: khám xét là gì và chỗ ở là những nơi như thế nào? Có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm khám xét, sau đây chúng tôi xin đưa ra một khái niệm nhận được nhiều sự đồng tình: Khám xét là biện pháp điều tra được tiến hành bằng cách tìm tòi, lục soát cưỡng chế người, chỗ ở, địa điểm, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm nhằm phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội; đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc phát hiện xác chết hay người đang bị truy nã, người bị bắt cóc. Như vậy, có thể hiểu bản chất của khám xét chính là sự tìm tòi, lục soát cưỡng chế của cơ quan điều tra trên những đối tượng do luật tố tụng hình sự quy định.Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì chỗ ở được định nghĩa như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ … 9. Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

2. Quy định của pháp luật về khám xét chỗ ở

Theo quy định tại Điều 195 – Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện như sau:

Điều 195. Quy định về khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm

1. Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến. Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

2. Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.

3. Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.

4. Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến. Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.

5. Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.

3. Bình luận quy định của pháp luật về khám xét chỗ ở

3.1. Mục đích khám xét chỗ ở

Việc khám xét chỗ ở sẽ diễn ra nhằm:

– Phát hiện, thu thập những tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa đối với công tác điều tra;

– Phát hiện, thu giữ những đồ vật, tài sản phục vụ cho việc bồi thường thiệt hại hoặc những đồ vật , tài liệu thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành;

– Phát hiện bọn tội phạm đang có lệnh truy nã, xác chết hoặc người bị bắt cóc.

3.2. Căn cứ để khám xét chỗ ở

Theo Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, việc khám xét chỗ ở sẽ diễn ra khi:

–  Có căn cứ để nhận định chỗ ở có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

–  Khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

3.3. Thẩm quyền khám xét chỗ ở

Để tránh việc khám xét tràn lan, xâm phạm đến quyền dân chủ của công dân, nhưng đồng thời cũng để đảm bảo phát hiện kịp thời mọi tội phạm cho nên khi có căn cứ khám xét thì cần thiết phải tiến hành khám xét ngay. Luật quy định về thẩm quyền ra lệnh khám xét cũng rất chặt chẽ, cụ thể, ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau tại Điều 193 Bộ luật tố tụng hình sự.

3.4. Thủ tục khám xét chỗ ở

Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ về thẩm quyền cũng như thủ tục khi tiến hành khám xét chỗ ở tại Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Khi tiến hành hoạt động khám xét cơ quan điều tra cần chấp hành nghiêm chỉnh, đúng quy định để đảm bảo không xâm phạm quyền dân chủ của công dân cũng như góp phần hiệu quả cho hoạt động khám xét nói riêng và hoạt động điều tra nói chung.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn!

1.5/5 - (2 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm