Nguyên tắc suy đoán vô tội là gì?

bởi
Nguyên tắc suy đoán vô tội là gì?

Trong tố tụng hình sự có rất nhiều nguyên tắc nhằm đảm bảo việc quá trình tố tụng được diễn ra theo một trình tự, thủ tục hợp lý và đảm bảo tính công bằng đối với những chủ thể trong quan hệ pháp luật hình sự. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất được quy định trong Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 đó là “Nguyên tắc suy đoán vô tội

Căn cứ:

  • Hiến pháp 2013
  • Bộ Luật tố tụng hình sự 2015

Nội dung tư vấn

1. Nguyên tắc suy đoán vô tội là gì

Loài người đang bước vào thời kỳ văn minh nhất từ trước tới nay. Thời kỳ mà quyền con người được công nhận và tôn trọng trên phạm vi toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi lần đầu tiền trong lịch sử lập hiến nội dung quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp 2013 công nhận và quy định cụ thể. Nội dung của quyền con người, quyền công dân thì đa dạng, nhưng một trong số đó chính việc không ai bị coi là tội phạm khi chưa có sự kết tội của Tòa án thông qua một bản án đã có hiệu lực pháp luật hay còn được pháp luật tố tụng hình sự gọi là “Suy đoán vô tôi”. Cụ thể Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định:

1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Để thực thi Hiến pháp, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 cũng cụ thể hóa nội dung trên tại Điều 13 cụ thể như sau:

Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Tóm gọn lại, nguyên tắc suy đoán vô tội là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự và nhằm đảm bảo việc không ai bị coi là có tội khi chưa có sự chứng minh tội phạm theo các trình tự, thủ tục của cơ quan tố tụng và bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nếu một khi không đủ chứng cứ, chứng minh để kết tội người bị tình nghi, thì người đó không bị coi là tội phạm

2. Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội

  • Nguyên tắc suy đoán vô tội nhằm đảm bảo quá trình tố tụng được diễn ra một cách chính xác, đảm bảo tính công khai, minh bạch

Mọi người thường có quan niệm sai lầm là khi một người bị cơ quan công an bắt giữ thì người đó là “kẻ phạm tội”. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Việt kết luận một người là có tội phải tuân thủ theo một trình tự thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015. Đây là một quá trình gồm nhiều bước, với sự tham gia của nhiều cơ quan như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án,…. Nguyên tắc suy đoán vô tội đóng một vai trò quan trọng nhằm đảm bảo việc thực hiện điều tra, thu thập chứng cứ diễn ra một cách công khai, minh bạch, đúng pháp luật nhằm tìm ra sự thật khách quan. Cụ thể Điều 7 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định

Điều 7. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.

Xuyên suốt quá trình tố tụng, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, nếu các cơ quan có thẩm quyền có bất cứ hoạt động nào trái pháp luật gây bất lợi cho người phạm tội và không phù hợp với logic để tìm ra sự thật khách quan thì đều bị bác bỏ. Ví dụ như nếu chứng cứ được thu thập trái phép, không đúng với pháp luật tố tụng qui định thì chứng cứ đó sẽ bị vô hiệu (Điều 87). Hồ sơ vụ án nếu không đảm bảo sự đầy đủ theo pháp luật tố tụng quy định thì cũng bị trả lại để điều tra bổ sung (Điều 236 và 280),…..

  • Nguyên tắc suy đoán vô tội nhằm bảo vệ người bị tình nghi trong suốt quá trình tố tụng

Điều 15 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:”Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Do vậy, trong suốt quá trình tố tụng, người bị tình nghi có thể đưa ra những chứng cứ để bảo vệ, chứng minh sự vô tội nhưng không bắt buộc phải đưa ra những lời khai hoặc lời nhận tội chống lại mình. Việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Để bảo vệ người tình nghi và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 nghiêm cấm mọi hình thức bức cung, dùng nhục hình trong công tác điều tra, lấy lời khai, đồng thời cũng quy định rằng không thể dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo như là chứng cứ duy nhất để kết tội (Điều 98)

Trên thế giới, nhất là tại Mỹ, “quyền im lặng” trong pháp luật hình sự rất được coi trọng và được xem là một quyền quan trọng của người bị tình nghi. Tại Việt Nam, Bộ Luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể về quyền im lặng. Nhưng có thể thấy rằng, quyền im lặng của bị can, bị cáo là một nội hàm trong nguyên tắc suy đoán vô tội khi người phạm tội  có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội và không bị ép buộc phải nhận tội dưới bất cứ sức ép nào. 

Hơn nữa, nguyên tắc suy đoán vô tội còn được thể hiện thông qua việc mọi hoài nghi về lỗi của bị can, bị cáo, người bị tình nghi đều phải được suy diễn bằng sự logic theo chiều hướng có lợi cho người phạm tội. Cụ thể tại Điều 13 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

Điều 13. Suy đoán vô tội Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà không thể kết tội được bị can, bị cáo thì cơ quan chức năng, người có thẩm quyền tố tụng phải tuyên người đó vô tội. Đồng thời có những biện pháp nhằm bù đắp những hậu quả trong suốt quá trình tố tụng đã diễn ra.

Hy vọng qua bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu hơn về Suy đoán vô tội – một nguyên tắc quan trọng của pháp luật tố tụng Việt Nam.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm