Phá thai có vi phạm pháp luật không?

bởi Luật Sư X

Chính sách pháp luật về dân số của nhà nước ta hiện nay khuyến khích các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sinh nở có kế hoạch để nhằm phát triển dân số theo đúng định hướng mà nhà nước đã đề ra. Tuy nhiên, trong thực tế luôn tồn tại những trường hợp người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn dẫn tới tình trạng nạo phá thai vẫn diễn ra ở mức độ đáng báo động. Đặc biệt, theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng nạo phá thaithanh thiếu niên Việt Nam ở mức cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và trong top 10 trên toàn thế giới. Trước tình trạng đáng báo động như vậy, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc nạo phá thai? Nạo phá thai có vi phạm pháp luật không? Đó là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều người, do vậy thông qua bài viết sau đây, Luật sư X sẽ giải đáp những vấn đề trên để quý độc giả nắm bắt được các quy định của pháp luật về nạo phá thai hiện nay.

Căn cứ:

  • Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
  • Pháp lệnh dân số 2003
  • Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989
  • Nghị định 176/2013/NĐ-CP
  • Nghị định 104/2003/NĐ-CP
  • Quyết định 4620/QĐ-BYT

Nội dung tư vấn

1. Tình trạng nạo phá thai hiện nay. 

Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số vừa diễn ra trong năm 2019 vừa qua, tổng dân số Việt Nam là gần 96 triệu người. Mỗi năm có từ 1,2 tới 1,6 triệu trẻ em được sinh ra. Nhưng bên cạnh đó, cũng có từ 500 ngàn tới 700 ngàn ca nạo phá thai được diễn ra. Điều đó chỉ ra rằng cứ khoảng 2 trẻ em được sinh ra thì cũng có 1 bào thai bị phá bỏ. Trong đó tỷ lệ nạo phá thai của trẻ vị thành niên chiếm tới gần 20% trong tổng số các ca nạo phá thai hàng năm. Điều đáng buồn hơn nữa là con số thống kê này vẫn lặng lẽ tăng dần ở mức trên 3% qua hàng năm. Những con số thống kê lạnh lùng đó chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại đang hiện hữu trong xã hội nước ta.

Vấn nạn nạo phá thai không chỉ là vấn đề nhức nhối của riêng gì của Việt Nam mà đây là một thực trạng đáng lo ngại của hầu hết các quốc gia. Ở nhiều quốc gia kém phát triển trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Châu Phi, tình trạng nạo phá thai còn diễn ra một cách đặc biệt nghiêm trọng. Những quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ,…. tình trạng nạo phá thai ở cũng là vấn đề làm cho giới chức chính quyền các quốc gia này đau đầu. Vì vậy, pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định nạo phá thai là một hành vi vi phạm pháp luật, người phá thai và người thực hiện việc phá thai sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt ở Hàn Quốc, người phạm tội có thể phải chịu mức án cao nhất lên tới 7 năm tù khi thực hiện việc nạo phá thai trái pháp luật.

Ở Việt Nam hiện nay, các quy định pháp luật xoay quanh vấn đề nạo phá thai vẫn còn nhiều bất cập cần được hoàn thiện. Cụ thể, chưa có quy định nào định nào định nghĩa về nạo phá thai. Tuy nhiên, dựa vào từ điển Y khoa thế giới định nghĩa về phá thai đó là  “thuật ngữ về một sự kết thúc thai nghén bằng cách loại bỏ hay lấy phôi hay thai nhi khỏi tử cung trước khi đến hạn sinh nở”. Bên cạnh đó, căn cứ theo tinh thần của các quy định thuộc phụ lục VII của Quyết định 4620/QĐ-BYT về phương pháp phá thai an toàn thì có thể định nghĩa nạo phá thai đó là “sự chủ động sử dụng các phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi”

2. Phá thai có vi phạm pháp luật 

Dù là một thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện tại nhưng những quy định pháp luật xoay quanh vấn đề nạo phá thai ở Việt Nam hiện nay vẫn còn chưa phản ánh và điều chỉnh bao quát hết được tình hình của vấn đề. Thậm chí, văn bản quy định rõ ràng nhất về quyền của người phụ nữ được phá thai đã được ban hành cách đây tròn 30 năm. Thông qua Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989, nhà nước ta công nhận người phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng bản thân. Như vậy có thể thấy, một phần nguyên do của tình trạng nạo phá thai trong xã hội nước ta hiện nay bắt nguồn từ quy định pháp luật cho phép và công nhận tính hợp pháp của việc nạo phá thai.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp nạo phá thai đều là hợp pháp. Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số 2003 quy định rằng những hành vi lựa chọn giới tính của thai nhi dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm. Cụ thể hơn tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết quy định nêu trên quy định rằng:

Điều 10. Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gốm:

…..

3. Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Như vậy, có thể thấy theo pháp luật Việt Nam, phá thai là một quyền của người phụ nữ. Theo đó, người phụ nữ có thể phá thai theo nguyện vọng bản thân. Những nếu việc phá thai đó xuất phát từ ý chí và hành vi nhằm mục đích lựa chọn giới tính của thai nhi thì đó là một hành bị nghiêm cấm. Và người thực hiện hành vi đó và những người có liên quan có thể sẽ phải chịu những chế tài xử phạt của pháp luật.

3. Xử phạt 

  • Đối với người phụ nữ mang thai

Căn cứ theo khoản 1 Điều 84 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với người mẹ có hành vi nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính đó là:

Điều 84. Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.

  • Đối với các cơ sở y tế hoặc người khác có liên quan tới việc thực hiện hành vi nạo phá thai trái phép

Căn cứ theo Điều 84 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện hành vi nạo phá thai trái phép như sau:

Điều 84. Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

5. Phạt tiền từ 12.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây

a) Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;

b) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính

Ngoài ra, nếu trường hợp hành vi nạo phá thai trái phép dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng thì cơ sở y tế và những người có liên quan tới hành vi nạo phá thai trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự dựa theo căn cứ quy định tại Điều 316 Bộ Luật hình sự hiện hành, cụ thể như sau:

Điều 316. Tội phá thai trái phép

1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây,thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Từ đó thấy rằng, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc nạo phá thai của là tương đối nghiêm khắc. Trường hợp cơ sở y tế và người trực tiếp gây ra hành vi phạm tội có thể phải chịu mức mức phạt tù nặng nhất lên tới 15 năm tù giam và chịu mức phạt tiền cao nhất lên tới 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu người vi phạm là các bác sĩ, y tá thì có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề và làm công việc liên quan lên tới 5 năm.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với quý độc giả.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật hôn nhân gia đình tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm