Hiện nay, việc xét xử các vụ án đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Chắc hẳn ai cũng đã được biết các phiên tòa xét xử các vụ án chấn động như Khá Bảnh, Năm Cam… Theo quy định của pháp luật, có 03 hình thức xét xử. Việc phân biệt xét xử kín, xét xử công khai và xét xử lưu động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tiếp cận với hoạt động của Tòa án. Vậy các hình thức này khác nhau như thế nào? Luật Sư X có nhận được câu hỏi sau đây:
Xin chào Luật Sư X. Thưa luật sư, hiện tôi có một thắc mắc như sau. Tôi thấy có rất nhiều vụ án được xét xử một cách công khai, thậm chí lên cả TV như vụ của Khá Bảnh. Nhưng lại có những vụ lại xét xử kín, bí mật, ít người biết. Vậy cho tôi hỏi chúng khác nhau ở điểm nào? Khi nào thì xét xử công khai, khi nào thì xét xử kín? Tôi xin cảm ơn.
Căn cứ pháp lý
- Hiến pháp 2013
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Nội dung tư vấn
Theo quy định pháp luật hiện nay, phiên tòa xét xử các vụ án theo 2 chế độ. Đó là xét xử công khai và xét xử kín. Thực tiễn cho thấy có tới 97% tỷ lệ các vụ án được tổ chức xét xử công khai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, tòa sẽ tổ chức xét xử kín. Phân biệt xét xử kín, xét xử công khai và xét xử lưu động cụ thể như sau:
Về hình thức xét xử công khai
Tại sao phải xét xử công khai?
Theo khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định như sau: “3. Tòa án nhân dân xét xử công khai….”. Do vậy, nguyên tắc này được triển khai thực hiện ở các phiên tòa; trong tất cả các lĩnh vực khác nhau. Như hình sự, dân sự, hành chính, lao động,….. Điển hình nhất là trong các vụ án hình sự. Bắt nguồn từ nguyên tắc về quyền con người, ai cũng có quyền bình đẳng trước pháp luật. Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng, công khai bởi tòa án. Điều này nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của họ; cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Thêm nữa, với vai trò nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, thực thi pháp luật, các phiên tòa được hiến định rằng phải được tổ chức công khai để mọi người dân có nhu cầu thì đều có thể tham gia; đều có thể được biết thông tin về vụ việc được xét xử.
Thông qua đó thực hiện chức năng giám sát đối với hoạt động xét xử vụ án. Ngoài ra, việc xét xử công khai phát huy được tính giáo dục chính trị – pháp lý; tác dụng phòng ngừa của hoạt động xét xử. Việc xét xử công khai bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn; nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình; đối với việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật.
Quy định về xét xử công khai
Pháp luật quy định tòa án phải có trách nhiệm công khai nội dung phiên tòa; thời gian; địa điểm mở phiên tòa. Những nội dung này phải được niêm yết công khai trước khi xét xử. Kết quả xét xử tại phiên tòa có thể được công bố trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình; hoặc bằng các phương tiện thông tin đại chúng khác cho mọi người biết.
Hình thức xét xử lưu động
Quy định về xét xử lưu động
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật hơn nữa tới người dân; ngành tòa án đã triền khai những phiên tòa xét xử lưu động. Xét xử lưu động là một hình thức xét xử cụ thể thuộc chế độ xét xử công khai. Hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự được định nghĩa đó là việc tổ chức phiên toà công khai để xét xử bị cáo trong vụ án hình sự tại một địa điểm khác ngoài trụ sở của Tòa án.
Các phiên tòa xét xử lưu động thường được tổ chức ở địa phương nơi tội phạm được diễn ra. Địa điểm tổ chức các phiên tòa thường được bố trí tại những nơi rộng rãi; đảm bảo điều kiện diễn ra các phiên tòa. Tiêu biểu là các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng,…. Đặc biệt với những vụ án gây bức xúc và nhận được nhiều sự quan tâm của người dân thì thường được bố trí tại những quảng trường, sân vận động đủ sức chứa hàng trăm, ngàn người.
Mục đích xét xử lưu động
Mục đích của các phiên tòa lưu động này nhằm mục đích giáo dục và phòng, chống các loại tội phạm. Thông qua các phiên tòa lưu động sẽ truyền tải và phổ biến những kiến thức pháp luật tới cho người dân tại địa phương. Đồng thời, răn đe, phòng ngừa những người manh nha có ý định thực hiện hành vi phạm tội.
Hình thức xét xử kín
Hầu hết các vụ án đều được xét xử công khai. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, tòa sẽ tổ chức xét xử kín. Vậy khi nào tòa tổ chức xét xử kín. Theo Điều 103 Hiến pháp 2013 và Điều 25 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định rằng đó là trường hợp cần giữ bí mật Nhà nước (một số tội phạm liên quan đên bí mật Nhà nước); trường hợp cần giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc (một số tội phạm về tình dục, tội phạm mà bị cáo là người chưa thành niên, như việc quan hệ với người dưới 18 tuổi); trường hợp cần giữ bí mật của đương sự (một số tội phạm liên quan đên bí mật đời tư của những người tham gia vụ án).
Xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai; nhưng phải tuyên án công khai. Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự; và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết.
Cần phân biệt xử kín và xử công khai
Với sự phát triển của các phương tiện thu và phát hình hiện nay, không hẳn mọi phiên tòa công khai thì người dân và những cơ quan báo chí đưa tin thì đều được có mặt trong hội trường xét xử. Nhiều phiên tòa có tính chất nhạy cảm; hoặc số lượng bị can, bị cáo, đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan quá nhiều thì người dân và các phóng viên được tòa án bố trí ngồi trong một phòng khác; và theo dõi vụ án thông qua màn hình vô tuyến.
Cũng rất sai lầm khi lầm tưởng rằng đã là các vụ án được xét xử kín thì mọi vấn đề liên quan đến vụ án thì đều không được biết. Pháp luật có quy định rõ, những vụ án được xét xử kín thì không công bố nội dung vụ án, diễn biến của phiên tòa nhưng vẫn phải tuyên án công khai. Cần phải hiểu rõ và chuẩn xác để tránh nhầm lẫn giữa các chế độ xét xử. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bác phân biệt được xét xử kín là gì? xét xử công khai là gì?
Câu hỏi thường gặp
Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.
Các phiên xét xử lưu động cũng thường được tổ chức chủ yếu tại những địa phương vùng sâu, vùng xa những nơi có tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và kiến thức về pháp luật của người dân chưa được cao.
Phiên tòa lưu động chỉ được tổ chức đối với các vụ án hình sự. Các phiên tòa dân sự thì không thể áp dụng hình thức xét xử lưu động được.
Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự.
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về việc phân biệt xét xử kín, xét xử công khai và xét xử lưu động. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư X hãy liên hệ 0833102102.