Phe vé có vi phạm pháp luật không?

bởi Vudinhha

“Phe vé” là hiện tượng không còn mấy xa lạ, nhất là trong những chương trình sự kiện nổi bật. Đây là vấn đề tiêu cực cần có chế tài nghiêm khắc xử lý triệt để. Câu hỏi đặt ra là “phe vé” có vi phạm pháp luật không? Mức xử phạt như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật sư X xin giải đáp các thắc mắc trên.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
  • Nghị định số 167/2013/NĐ-CP
  • Nghị định số 46/2016/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Phe vé là gì? 

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới đều tồn tại vấn nạn “phe vé”, đặc biệt trước những chương trình sự kiện lớn.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn không có định nghĩa “phe vé” theo quy định của pháp luật Việt Nam. Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa định nghĩa “phe” là việc mua đi bán lại để kiếm lãi, do vậy “phe vé” trong trường hợp này được hiểu là hành vi mua vé của các chương trình sự kiện, sau đó bán lại với giá cao hơn so với giá ban đầu của chương trình, sự kiện đó do nhà tổ chức đưa ra.

Nếu bản chất chỉ là mua bán thông thường thì sẽ không gọi là “phe vé”; các trường hợp “phe vé” đề là các trường hợp bằng một cách nào đó, có thể là gian lận để có vé bán không theo quy định thông thường.

2. Phe vé có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, pháp luật hiện hành của Việt Nam không có quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với hành vi “phe vé”. Do đó, về nguyên tắc, công dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Vé xem bóng đá, hay các chương trình nghệ thuật, sự kiện được coi là “hàng hóa” hợp pháp và được phép mua bán, giao dịch. Chính vì thế, việc người hâm mộ mua lại với mức giá cao gấp nhiều lần so với giá gốc là do sự thỏa thuận giữa hai bên, thuận mua vừa bán và pháp luật không cấm điều này.

Tuy nhiên, việc mua vé có thể hiểu là đương nhiên chấp thuận các điều kiện mà đơn vị phát hành vé đặt ra (được ghi trên vé hoặc các quy định do đơn vị phát hành vé ban hành trước đó) bao gồm các điều kiện mua, sử dụng vé nhằm đảm bảo việc phân phối vé hợp lý, đúng đối tượng, đảm bảo an ninh, an toàn cho sự kiện và lợi ích cho bên phát hành cũng như người mua vé. Trong trường hợp bên mua vi phạm quy định do bên bán đặt ra, thì bên bán có quyền áp dụng các biện pháp quy định trong điều kiện mua, sử dụng vé đối với bên mua, ví dụ như: Nếu bên bán quy định người sử dụng phải là người đứng tên đăng ký mua vé thì khi không phải, bên bán có quyền không cho phép người đó vào sân…

Đồng thời, pháp luật sẽ xử phạt “phe vé” có hành vi chèo kéo khách dẫn tới gây mất trật tự công cộnggây cản trở giao thông. Ngoài ra, “phe vé” còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tự ý in vé giả hoặc chế bản lại vé bằng công nghệ cao để lừa dối người mua nhằm chiếm đoạt tài sản.

3. Mức xử phạt như thế nào?

Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi phổ biến nhất mà “phe vé” hay gây ra. Việc mua bán vé thường diễn ra khu vực xung quanh sân vận động, khu vực biểu diễn nghệ thuật tập trung đông người với các hành vi như chèo kéo, tranh giành khách, chửi bới, nói tục, gây mất an ninh trật tự khu vực xung quanh. Việc xử phạt sẽ căn cứ theo Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể:

  • Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự ở ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ,…
  • Phạt tiền từ  500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.
  • Phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 triệu đồng đối với một trong những hành vi như: Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi gây rối trật tự công cộng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trậy tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017:

“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm”.

Còn đối với hành vi cản trở giao thông đường bộ, nếu “phe vé” dừng xe, đỗ xe (môtô, xe máy) ở lòng đường đô thị để bán vé mà gây cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng theo Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

Trường hợp thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội làm, buôn bán tem giả, vé giả, người phạm tội có thể bị phạt tiền 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đồng thời, “phe vé” còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tự ý in vé giả hoặc chế bản lại vé bằng công nghệ cao để lừa dối người mua nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!

Khuyến nghị

1. LSX là thương hiệu hàng đầu về luật sư tranh tụng tại Việt Nam.

2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm