Quyền phản tố của bị đơn theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015

bởi

Quyền phản tố của bị đơn là một trong các quyền quan trọng bảo đảm quyền tố tụng của bị đơn, bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự, tạo điều kiện để giải quyết nhanh, toàn diện các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự . Sau đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về quyền phản tố của bị đơn theo bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Căn cứ pháp lý:

Nội dung tư vấn:

1. Khái niệm quyền phản tố của bị đơn trong tố tụng dân sự

Quyền yêu cầu phản tố là một quyền của bị đơn(người bị kiện) trong vụ án dân sự, theo đó bị đơn có quyền kiện ngược lại nguyên đơn (người kiện) nếu như yêu cầu phản tố của bị đơn đáp ứng các điều kiện của quy định pháp luật.

2. Quyền đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn trong tố tụng dân sự

2.1. Đối tượng của yêu cầu phản tố

Căn cứ theo Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì bị đơn không thể có yêu cầu phản tố đối với người mà không phải là đương sự trong vụ án, và cũng không được đưa ra yêu cầu phản tố đối với đồng bị đơn trong vụ án. Như vậy, đối tượng mà yêu cầu phản tố của bị đơn hướng đến chỉ có thể là nguyên đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

2.2. Thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố

Theo Khoản 3 Điều 200 Bộ luật này quy định :”Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.”
Với các quy định này có thể hiểu, khoảng thời gian mà bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố chỉ trong khoảng thời gian từ khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án cho đến trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Sau thời điểm này, bị đơn mới đưa ra yêu cầu phản tố thì Tòa án không chấp nhận và sẽ hướng dẫn họ khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác. Quy định này giúp cho việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn của Tòa án được chủ động và hợp lý hơn, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.
Việc đưa ra yêu cầu phản tố được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Như vậy, về bản chất đưa ra yêu cầu phản tố cũng giống như việc khởi kiện một vụ án, vì vậy vai trò của bị đơn lúc này cũng đã khác, không chỉ đơn thuần là bị đơn mà kiêm luôn quyền và nghĩa vụ của một nguyên đơn trong vụ án dân sự.

2.3. Điều kiện chấp nhận yêu cầu phản tố

Có thể thấy không phải yêu cầu nào của bị đơn cũng được chấp nhận là yêu cầu phản tố. Tòa án sẽ chỉ chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn nếu các yêu cầu của bị đơn đáp ứng các yêu cầu về nội dung và hình thức:
Thứ nhất, về mặt nội dung, yêu cầu phản tố chỉ được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:
a) Yêu cầu phản tố .để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”.
Thứ hai, về mặt hình thức, việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn phải tuân thủ hình thức như khởi kiện của một vụ việc dân sự, có nghĩa là bị đơn phải soạn đơn phản tố bằng văn bản và gửi tới Toà án, sau đó bị đơn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí như nguyên đơn. Thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại kể từ ngày bị đơn nộp tạm ứng án phí hoặc trong trường hợp bị đơn được miễn án phí thì tính từ ngày Toà án nhận được đơn phản tố.

2.4. Thủ tục yêu cầu phản tố

Việc đưa ra yêu cầu phản tố được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Nghĩa là bị đơn soạn đơn phản tố bằng văn bản và gửi tới Tòa án, sau đó bị đơn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí. Thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại kể từ ngày bị đơn nộp tạm ứng án phí hoặc trong trường hợp bị đơn được miễn án phí thì tính từ ngày Tòa án nhận được đơn phản tố.
Như vậy, về bản chất đưa ra yêu cầu phản tố cũng giống như việc khởi kiện một vụ án, vì vậy vai trò của bị đơn lúc này cũng đã khác, không chỉ đơn thuần là bị đơn mà kiêm luôn quyền và nghĩa vụ của một nguyên đơn trong vụ án dân sự.

2.5. Hệ quả pháp lý

Trường hợp yêu cầu phản tố không được chấp nhận:

Khoản 6 Điều 72 BLTTDS quy định: “Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác”. Như vậy, trường hợp yêu cầu phản tố của bị đơn không đủ các điều kiện quy định và từ đó không được Tòa án chấp thuận thì bị đơn có quyền khởi kiện một vụ án khác đối với yêu cầu phản tố của mình.

Trường hợp yêu cầu phản tố được chấp nhận:

Trong trường hợp yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận thì yêu cầu này được Tòa án xem xét giải quyết như đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan, tức bị đơn sẽ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình tương tự như nguyên đơn với yêu cầu khởi kiện.
Quyền và nghĩa vụ của bị đơn sau khi yêu cầu phản tố được chấp nhận
– Nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm. Trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, bị đơn được trình bày yêu cầu phản tố; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu phản tố của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án.
– Trường hợp đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, theo khoản 2, Điều 217, Bộ luật TTDS 2015:
2. Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:
a) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
b) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;
c) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
– Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt lần hai mà không có người đại diện tham gia phiên tòa sơ thẩm thì theo điểm c Khoản 2 Điều 227 BLTTDS 2015.
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
– Trình bày ý kiến trong phiên tòa sơ thẩm theo Điểm b, Khoản 1, Điều 248, BLTTDS 2015 “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu phản tố và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến”. Yêu cầu phản tố của bị đơn phải được ghi trong nội dung vụ án và nhận định của Tòa án tại bản án sơ thẩm,.

3. Quyền sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu phản tố của bị đơn

3.1. Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 210 Bộ luật TTDS 2015 quy định về trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải như sau: “khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây: yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;”. Như vậy trong giai đoạn này bị đơn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu phản tố. Sau đó thẩm phán sẽ xem xét và giải quyết yêu cầu sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu phản tố của bị đơn.
Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:
a) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
b) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;
c) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cần độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn” (Khoản 2 Điều 217. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Bộ luật TTDS 2015).

3.2. Tại phiên tòa xét sử sơ thẩm

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung rút yêu cầu. Khoản 2 Điều 243 Bộ luật TTDS 2015 nêu “Hỏi bị đơn có thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu phản tố không”
Sau khi bị đơn thay đổi, bổ sung rút yêu cầu phản tố thì hội đồng xét xử sẽ xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu phản tố của bị đơn, Hội đồng xét xử sẽ chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu (khoản 1 điều 224)
Tại Khoản 2 Điều 244 quy định: “Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.”. Có thể thấy nếu bị đơn rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của mình và việc rút yêu cầu phản tố của bị đơn là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu phản tố hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố bị đơn đã rút.

Trên đây là quy định của pháp luật tố tụng dân sự về quyền phản tố của bị đơn, Luật sư X rất mong bài viết sẽ có ích với bạn!

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm