Quyền sở hữu công nghiệp là gì

bởi MinhThu

Để xã hội hiện đại đạt được những thành tựu to lớn về khoa học, kỹ thuật và công nghệ như hiện nay, con người đã phát huy tối đa khả năng sáng tạo của bộ óc. Từ rất lâu, con người đã ý thức được việc bảo vệ các thành quả của hoạt động sáng tạo và được cụ thể hóa bằng nhiều cách thức. Trong đó, pháp luật đóng một vai trò tối quan trọng khi quy định những quy phạm pháp luật cụ thể về quyền sở hữu công nghiệp nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhằm bảo vệ quyền lợi của những người phát minh ra những thành tựu khoa học, kỹ thuật có ích cho xã hội.

Căn cứ:

Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2013 (gọi là Luật sở hữu trí tuệ hiện hành)

Nội dung tư vấn

1. Khái niệm quyền sở hữu công nghiệp

Cùng với quyền tác giả và quyền đối với giống cây trồng, quyền sở hữu công nghiệp là một trong ba thành tố quan trọng được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể tại Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định về khái niệm quyền sở hữu công nghiệp như sau:

4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đó, quyền sở hữu công nghiệp là quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến việc sử dụng, chuyển dịch các đối tượng sở hữu công nghiệp. Các quyền cụ thể đó là quyền nhân thân và quyền tài sản của các chủ thể trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó còn là quyền ngăn chặn những hành vi xâm phạm hoặc cạnh tranh không lành mạnh đối với các quyền của những người sáng tạo ra hoặc người sử dụng hợp pháp các công trình khoa học, kỹ thuật, công nghệ.

Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, Văn bằng bảo hộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp là một chứng thư pháp lý có ý nghĩa tối quan trọng trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng được bảo hộ. Khác với quyền tác giả, việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp là công việc bắt buộc để được công nhận các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do tính chất đặc thù như bí mật kinh doanh và tên thương mại sẽ tự phát sinh quyền sở hữu công nghiệp mà không cần phải thực hiện thủ tục xin cấp văn bằng bảo hộ. Ví dụ như tên thương mại của các doanh nghiệp sẽ nghiễm nhiên được bảo hộ khi các doanh nghiệp này thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Lúc này, tên doanh nghiệp được sử dụng để đăng ký kinh doanh cũng được pháp luật bảo hộ với tư cách là tên thương mại.

2. Các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp

Ngày nay, các loại hình sở hữu công nghiệp rất đa dạng và phong phú không chỉ còn bó hẹp trong những phạm vi của các ngành và lĩnh vực nhất định mà nó tồn tại dưới nhiệu dạng thức khác nhau. Đôi khi nó có thể gây nhầm lẫn trong cách thức nhận biết của những người quan tâm nhưng không có chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, quy định về các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được chia làm 2 nhóm. Đó là nhóm có tính sáng tạo và nhóm có tính thương mại.

Nhóm có tính sáng tạo gồm:

Sáng chế

Căn cứ Khoản 12 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định:

12. Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Theo đó, giải pháp kỹ thuật được hiểu là cơ cấu, phương pháp hay chất mới hay sử dụng cơ cấu, phương pháp cũ theo chức năng mới. Như vậy, sáng chế được tồn tại chủ yếu dưới hai dạng thức đó là sản phẩm và quy trình tạo ra một vật chất.

Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế đó là:

  • Sáng chế đó phải có tính mới
  • Có trình độ sáng tạo
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp

Theo quy định của pháp luật thì bất kỳ giải pháp kỹ thuật nào mà đáp ứng đấy đủ 3 điều kiện nêu trên thì sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với tư cách là sáng chế.

Kiểu dáng công nghiệp

Căn cứ Khoản 13 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định:

13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Sản phẩm ở đây được hiểu là đồ vật, dụng cụ, phương tiện,… được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

Điều kiện để được bảo hộ đối với kiêu dáng công nghiệp là:   

  • Phải có tính mới
  • Có trình độ sáng tạo
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp

Cũng tương tự như các điều kiện để được bảo hộ của sáng chế, muốn được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì đối tượng đăng ký phải đáp ứng đầy đủ 3 yêu tố nêu trên.

Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

Căn cứ Khoản 15 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định về thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn như sau:

15. Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

Bên cạnh đó, Khoản 14 Điều 4 cũng quy định mạch tích hợp bán dẫn “là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.”

Điều kiện để được bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch bán dẫn bao gồm:

  • Sản phẩm phải có tính nguyên gốc
  • Sản phảm phải có tính mới thương mại

Nhóm có tính thương mại gồm:

Nhãn hiệu

Căn cứ Khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định về nhãn hiệu như sau:

16. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Thực tế hiện nay, nhãn hiệu là yếu tố quan trọng nhất và dễ nhận biết nhất để phân biệt các sản phẩm cùng chủng loại của các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ khác nhau.

Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu bao gồm

  • Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yêu tố đó được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc
  • Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Để được cấc văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu phải đồng thời đáp ứng đầy đủ 2 tiêu chí nêu trên.

Tên thương mại

Căn cứ theo Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về tên thương mại như sau:

21. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

Trong kinh doanh, đối với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực sẽ tồn tại những sự cạnh tranh rất gay gắt. Việc các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp với tên thương mại gắn với việc cung cấp các loại hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt sẽ khẳng định vị thế vững chắc của doanh nghiệp đó trên thương trường.

Điều kiện để được bảo hộ đối với tên thương mại

  • Phải có khả năng phân biệt với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng khu vực, cùng lĩnh vực hoạt động
  • Không được trùng với tên của các cơ quna hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Chỉ dẫn địa lý

Căn cứ theo Khoản 22 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về chỉ dẫn địa lý như sau:

22. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Trong thời buổi mà các mặt hàng đa chủng loại, đa xuất xứ như hiện nay. Việc một hàng hóa với các ưu thế độc đáo về chất lượng, chỉ duy nhất có được từ một vùng lãnh thổ địa phương nhất định bao giờ cũng chiếm một vị trí nổi bật so với các loại hàng hóa khác trên thị trường. Một số ví dụ về chỉ dẫn địa lý như Bưởi diễn; Thuốc lào Quảng Xương; Tỏi đen Lý Sơn;…..

Điều kiện để được bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lí là:

  • Chỉ rõ nguồn gốc địa lý của sản phẩm; Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu (có thể là tên gọi, biểu tượng, hình ảnh,….)
  • Phải gắn với khu vực, địa phương cụ thể
  • Phải được dùng với mục đích duy nhất để chỉ rõ sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc được sản xuất từ địa phương đó

Lưu ý về những đối tượng không được bảo hộ với tư cách là chỉ dẫn địa lý:

  • Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam.
  • Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.
  • Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm.
  • Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Bí mật kinh doanh

Căn cứ theo Khoản 23 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định về bí mật kinh doanh như sau:

23. Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Thông thường, bí mật kinh doanh được hiểu như một thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, được giữ bí mật và có một giá trị kinh tế nhất định bởi nó tạo cho người nắm giữ bí mật và có một giá trị kinh tế nhất định bởi nó tạo cho người nắm giữ thông tin một lợi thế trước những đối thủ cạnh tranh.

Điều kiện để được bảo hộ đối với bí mật kinh doanh là:

  • Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được.
  • Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó.
  • Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

3. Các chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp

Cũng tương tự như quyền tác giả, các chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp cũng gồm tác giả và chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.

Tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp

Đây là những cá nhân đã tạo ra các sản phảm trí tuệ được thể hiện dưới dạng các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp. Bên cạnh đó, nếu các đối tượng sở hữu công nghiệp được tạo ra bởi một nhóm người thì những người này được xác định là đồng tác giả.

Tác giả sẽ được được pháp luật bảo hộ về quyền nhân thân đối với đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong đó, quyền nhân thân gắn liền và chỉ thuộc về riêng tác giả, không thể chuyển giao cho bất kì ai dưới bất kì hình thức nào. Đó là những quyền như ghi tên tác giả trong Sổ đăng kí quốc gia về các đối tượng sở hữu công nghiệp; ghi tên tác giả trong bằng độc quyền hoặc giấy chứng nhận đăng kí các đối tượng sở hữu công nghiệp; được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố về các đối tượng sở hữu công nghiệp

Bên cạnh quyền nhân thân, tác giả còn được hưởng quyền tài sản đối với quyền sở hữu công nghiệp. Đó là những lợi ích vật chất phát sinh từ đối tượng sở hữu công nghiệp. Ví dụ như quyền được hưởng thù lao từ chủ sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật. Cũng có những trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp thì quyền tài sản đó còn là việc được sản xuất, áp dụng vào sản xuất công nghiệp, lưu thông thương mại,….

Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp

Đối với nhóm đối tượng sở hữu công nghiệp có tính sáng tạo thì chủ sở hữu là những người đứng tên là chủ sở hữu của các giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu

Đối với nhóm đối tượng sở hữu công nghiệp có tình thương mại thì chủ sở hữu được xác định là những người đang thực tế sử dụng, khai thác các đối tượng đó.

Ngoài ra, chủ sở hữu các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp còn là người được chuyển giao quyền sở hữu thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sổ hữu công nghiệp hoặc thông qua nhận di sản thừa kế.

Hy vọng bài viết mang lại những thông tin hữu ích đối với quý độc giả

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm