Hiện nay, đối với từng loại đất và mục đích sử dụng khác nhau mà pháp luật quy định cấp cho chủ sở hữu đất đai những loại giấy tờ mang tên khác nhau như sổ đỏ, sổ hồng, sổ trắng,… Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu xem sổ hồng là gì!
Căn cứ pháp lí
- Luật nhà ở 2014;
- Nghị định 30/2019/NĐ-CP;
- Nghị định 99/2015/NĐ-CP;
- Nghị định 60/1994/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Sổ hồng là gì?
Pháp luật về đất đai công nhận quyền sở hữu nhà ở cho công dân tại Điều 9 Luật nhà ở 2014 như sau:
Điều 9. Công nhận quyền sở hữu nhà ở
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn.
Như vậy, công dân Việt Nam đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, trong đó có loại văn bản được gọi là sổ hồng.
Sổ hồng là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” tại đô thị (nội thành, nội thị xã, thị trấn) được quy định tại Nghị định số 60/1994/NĐ-CP ngày 05/07/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị.
Trên sổ hồng thể hiện đầy đủ thông tin về quyền sử dụng đất ở (số thửa, số tờ bản đồ, diện tích, loại đất, thời hạn sử dụng…) và quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng, số tầng, kết cấu nhà, diện tích sử dụng chung, riêng…).
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu nhà thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với nhà ở đó theo quy định của pháp luật.
2. Sổ hồng được cấp như thế nào?
Việc cấp sổ hồng đã được pháp luật quy định như sau:
– Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở
– Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
3. Ghi tên chủ sở hữu trong sổ như thế nào?
Việc ghi tên chủ sở hữu trong sổ hồng quy định như sau:
– Nhà ở thuộc sở hữu của một tổ chức thì ghi tên tổ chức đó;
– Nhà ở thuộc sở hữu của một cá nhân thì ghi tên người đó;
– Nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất thì ghi tên người được các chủ sở hữu thoả thuận cho đứng tên trong giấy chứng nhận, nếu không có thoả thuận thì ghi đủ tên các chủ sở hữu nhà ở đó, trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì ghi đủ tên của cả vợ và chồng, trường hợp có vợ hoặc chồng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật thì chỉ ghi tên người có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam;
– Nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì ghi tên từng chủ sở hữu đối với phần sở hữu riêng và giấy chứng nhận đối với nhà ở đó được cấp cho từng chủ sở hữu.
4. Hiệu lực pháp lý của sổ hồng
Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà không còn hiệu lực pháp lý khi:
– Nhà ở bị tiêu huỷ hoặc bị phá dỡ;
– Nhà ở bị tịch thu hoặc trưng mua;
– Nhà ở được xây dựng trên đất thuê đã hết thời hạn thuê đất mà không được gia hạn thuê tiếp;
– Nhà ở đã được cấp sổ hồng nhưng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi do cấp không đúng thẩm quyền, người được cấp giấy chứng nhận không đúng đối tượng, nhà ở được ghi trong giấy chứng nhận không đúng với hiện trạng khi cấp giấy hoặc nhà ở xây dựng trong khu vực đã bị cấm xây dựng nhà ở.
5. Thẩm quyền cấp sổ hồng
Việc cấp sổ hồng sẽ được tiến hành bởi:
– Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp sổ hồng cho tổ chức. Trường hợp chủ sở hữu chung là tổ chức và cá nhân thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp sổ hồng.
– Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp sổ hồng cho cá nhân.
6. Điều kiện cấp sổ hồng cho chung cư
Theo Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở như sau:
Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
a) Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này.
Như vậy, nhà ở, cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn).
Ngoài ra, Điều 9 quy định:
Điều 9. Công nhận quyền sở hữu nhà ở
…
4. Đối với nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án để cho thuê mua, để bán thì không cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư mà cấp Giấy chứng nhận cho người thuê mua, người mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa cho thuê mua, chưa bán; trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Bên cạnh đó, Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định:
Điều 13. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản
…
4. Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua thì phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua,…
Do đó, khi gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư giải thích và hỗ trợ thực hiện.
Hy vọng bài viết hữu ích với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về Dịch vụ Luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay