Hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư đã được quy định lần đầu tiên trong Bộ luật hình sự 2015 (BLHS). Cụ thể, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp; tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ thì bị xử lí hình sự. Vậy quy định của BLHS 2015 về vấn đề này như thế nào?
Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.
Cơ sở pháp lý
Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018
Khái niệm
Lĩnh vực tư là gì?
Theo quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động; do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.
Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này.
Có thể hiểu, “Khu vực tư là khu vực hoạt động kinh doanh của các tổ chức tư nhân, hoặc hoạt động kinh doanh, thương mại không mang tính quyền lực nhà nước“.
Tham nhũng trong lĩnh vực tư là gì?
Tham nhũng trong khu vực tư là hành vi của cá nhân có quyền hạn; hoặc có ảnh hưởng nhất định đối với tổ chức xã hội; tổ chức xã hội nghề nghiệp; tổ chức nhân đạo, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; công ty, doanh nghiệp thuộc khu vực tư đã sử dụng quyền hạn hoặc ảnh hưởng của mình trong tổ chức nội bộ và hoạt động của tổ chức, công ty, doanh nghiệp vì vụ lợi.
Quy định của Bộ luật hình sự 2015 về tham nhũng trong lĩnh vực tư
BLHS 2015 quy định mở rộng chủ thể của hai tội phạm tham nhũng là “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước”; cụ thể quy định tại khoản 6 các Điều 353 Tội tham ô tài sản và Điều 354 Tội nhận hối lộ.
Lý do: Trong hệ thống chính trị ở nước ta, bên cạnh bộ máy nhà nước; còn có các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác đang đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình; mỗi cán bộ, thành viên của các tổ chức này được giao một chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhất định. Hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao của những người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động đúng đắn của tổ chức đó; mà còn ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước; xâm phạm các lợi ích của nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tội tham ô tài sản
Điều 353. Tội tham ô tài sản
Người nào lợi dụng chức vụ; quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng; nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Khoản 6 điều 353 BLHS về tội tham ô tài sản quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này“.
Dấu hiệu của tội tham ô tài sản trong lĩnh vực tư
Chủ thể của tội phạm tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Đối với khu vực ngoài nhà nước, chủ thể có thể là người được giao trực tiếp quản lý tài sản. Chẳng hạn, thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị… Ngoài ra, những người dù không trực tiếp quản lý tài sản nhưng có quyền quyết định thu chi; xuất nhập, mua bán, trao đổi tài sản như: giám đốc doanh nghiệp; chủ nhiệm hợp tác xã; người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức là chủ tài khoản hoặc có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trên thực tế, chủ thể của tội tham ô tài sản thường thuộc ba nhóm sau:
- Nhóm 1: Là người có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý kinh tế. (Ví dụ: thủ trưởng cơ quan, chánh văn phòng, trưởng phòng tài vụ, kế toán).
- Nhóm 2: Những người đảm nhiệm công tác nghiệp vụ quản lý kinh tế tài chính. (Ví dụ: kế toán, thủ quỹ, thủ kho…).
- Nhóm 3: Những người đảm nhiệm những công việc mang tính độc lập; nhưng có khả năng trực tiếp tiếp cận với tài sản. (Ví dụ: Người bảo vệ được quyền tiếp cận với tài sản; người lái xe chở hàng không có người áp tải).
Tội nhận hối lộ
Điều 354. Tội nhận hối lộ
Người nào lợi dụng chức vụ; quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận; hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó; hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ; thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Khoản 6 điều 354 BLHS về tội nhận hối lội quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”.
Dấu hiệu của tội nhận hối lộ trong lĩnh vực tư
Chủ thể của tội nhận hối lộ có thể là người có chức vụ; quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đó là những người làm công tác quản lý từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất hoặc những người tuy không có chức vụ nhưng được giao nhiệm vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức này và nhiệm vụ đó làm phát sinh quyền của họ đối với người khác.
Khác với người có chức vụ, quyền hạn phạm tội tham ô tài sản; người có chức vụ quyền hạn phạm tội nhận hối lộ không nhất thiết phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Người phạm tội nhận hối lộ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý; mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Tham nhũng trong lĩnh vực tư ngày càng phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Do đó, những biện pháp phòng chống tham nhũng cần phải được thực hiện triệt để và cấp thiết.
Liên hệ Luật sư X
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Tham nhũng trong lĩnh vực tư có phải chịu trách nhiệm hình sự không?”. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833102102
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
BLHS 2015 khi chỉ đặt ra Trách nhiệm hình sự của Pháp nhân đối với các tội phạm kinh tế và môi trường. Cụ thể, Pháp nhân thương mại tuy là chủ thể của tội phạm; nhưng không phải chịu TNHS của tất cả các tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự. BLHS 2015 quy định pháp nhân thương mại chỉ bị xử lý hình sự đối với 33 tội theo quy định tại Điều 76 BLHS. Vì vậy, trách nhiệm hình sự về các tội tham nhũng trong lĩnh vực tư không được đặt ra.
Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định về tham nhũng trong lĩnh vực tư. Đến năm 2015, để đáp ứng những đòi hỏi nội tại của Việt Nam hiện nay trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm sự tương thích với các yêu cầu của Công ước chống tham nhũng thì việc hình sự hóa các hành vi tham nhũng trong khu vực tư là hết sức cần thiết. Do vậy, khoản 6 điều 653 và khoản 6 điều 654 BLHS 2015 là điểm mới quan trọng.
Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng; đã được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 31/10/2003. Ngày 14/12/2005, Công ước có hiệu lực thi hành. Ngày 18/9/2009, Công ước này có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam.