Thế nào là mất năng lực hành vi dân sự?

bởi Luật Sư X
Thế nào là mất năng lực hành vi dân sự?

Để đáp ứng các nhu cầu trong đời sống, mỗi cá nhân phải không ngừng tham gia các mối quan hệ xã hội trong đó có các giao dịch dân sự. Nhằm đảm bảo sự ổn định và trật tự trong quá trình thiết lập và thực hiện các giao dịch dân sự, hướng tới việc thực hiện lợi ích cho các chủ thể tham gia cũng như lợi ích chung toàn xã hội, không phải bất cứ cá nhân nào cũng có quyền tham gia vào các giao dịch dân sự. Pháp luật nước ta quy định có những cá nhân có năng lực chủ thể mới có quyền tham gia những giao dịch ấy. Trong năng lực chủ thể đó có năng lực hành vi dân sự. Vậy trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự được quy định như thế nào? Có được tham gia các giao dịch dân sự nữa không?… Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu rõ trong nội dung bài viết dưới đây về cách hiểu thế nào là người mất năng lực hành vi dân sự nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
  • Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Nội dung tư vấn

1. Thế nào là người mất năng lực hành vi dân sự?

Trước tiên chúng ta cần hiểu năng lực hành vi dân sự là gì, theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015 giải thích về năng lực hành vi dân sự như sau: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được đánh giá qua hai tiêu chí là độ tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Cá nhân có độ tuổi, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi khác nhau thì có năng lực hành vi khác nhau. Tùy vào từng trường hợp nhất định mà năng lực hành vi dân sự của mỗi cá nhân là không giống nhau.

Như vậy, thông qua việc năng lực hành vi dân sự của cá nhân để biết được cá nhân đó có đủ khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự hay không, giao dịch dân sự mà cá nhân xác lập, thực hiện có hiệu lực hay không.

Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra định nghĩa cụ thể về mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên lại quy định về hành vi này tại Điều 22. Theo đó có thể hiểu mất năng lực hành vi dân sự là trường hợp một cá nhân đã từng có khả năng để xác lập và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tuy nhiên, do những lí do khác nhau mà năng lực hành vi không còn nữa. Những lí do đó đã được pháp luật chỉ định cụ thể là “bị bệnh tâm thần” và “mắc bệnh khác’, dẫn tới hậu quả là khiến cho cá nhân đó không thể nhận thức làm chủ được hành vi của mình.

2. Quy định pháp luật về mất năng lực hành vi dân sự

Tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau:

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Căn cứ theo quy định trên thì chúng ta có thể rút ra điều kiện để một người được coi là mất năng lực hành vi dân sự, cụ thể:

Thứ nhất, người đó phải là người có dấu hiệu về bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức được hành vi của mình

Thứ hai, theo yêu cầu của những người có quyền và lợi ích liên quan hoặc các cơ quan, tổ chức hữu quan thì toà án có quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy sẽ đặt ra vấn đề phát sinh trong thực tế là nếu kể cả một người mắc bệnh không nhận thức làm chủ được hành vi của mình nhưng nếu chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự thì người đó vẫn chưa bị coi là mất năng lực hành vi dân sự. Đồng thời pháp luật quy định việc khi một người không còn dấu hiệu của mất năng lực hành vi dân sự nữa thì họ có thể được hủy bỏ quyết định tuyên mất năng lực hành vi dân sự.

Vì lẽ đó mất năng lực hành vi dân sự không phải là một mức độ của năng lực hành vi mà là một tình trạng năng lực hành vi dân sự của cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định, khi cá nhân bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Do đó, những người rơi vào tình trạng này không thể tự mình xác lập, thực hiện bất kỳ giao dịch dân sự nào. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Ví dụ: A 18 tuổi, bị mắc bệnh tâm thần vì di chứng sau tai nạn giao thông, thường xuyên có những hành vi bất thường nguy hiểm như không chú ý vệ sinh cá nhân, bỏ ăn, đập phá đồ đạc; vô cớ tấn công người khác, có ý định và hành vi tự sát, đánh đập, cào xé người khác, cầm những vật sắc nhọn, nguy hiểm đi ra đường gây sợ hãi cho bà con lối xóm xung quanh. Nhận thấy vậy, bố mẹ của A là bà Nguyễn Thị B và ông Trần Văn C đã yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố A mất năng lực hành vi dân sự. Sau khi có kết luận giám định pháp y tâm thần, cho thấy A thực sự mắc bệnh tâm thần, tòa án ra quyết định tuyên bố A mất năng lực hành vi dân sự.

Khi đó, mọi giao dich dân sự của A như mua bán đồ dùng cá nhân sinh hoạt hằng ngày, mua bán thuốc thang điều trị bệnh, tiền viện phí,… đều dó người đại diện theo pháp luật của A là bà B và ông C thực hiện.

Tuy nhiên, 2 năm sau, khi A 20 tuổi, A giảm dần rồi kết thúc hẳn những biểu hiện, hành vi bất thường gây nguy hiểm cho người khác. Gia định đưa A đi tái khám thì nhận được kết quả là A đã khỏi hoàn toàn chứng bệnh tâm thần do được chạy chữa tích cực, thường xuyên và áp dụng đều đặn việc sử dụng thuốc, chia sẻ tâm lý và lao động, tái thích ứng xã hội. Khi đó, theo yêu cầu của chính A hoặc của bố mẹ A, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

3. Bình luận quy định về xác định người mất năng lực hành vi dân sự

Vấn đề mất năng lực hành vi dân sự đều được hai Bộ luật quy định tại Khoản 1 Điều 22.

Khoản 1 Điều 22 BLDS năm 2005 quy định:

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Quy định trên được bổ sung, sửa đổi thành Khoản 1 Điều 22 BLDS năm 2015 như sau:

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Như vậy, BLDS năm 2015 đã mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là người mất năng lực hành vi dân sự bằng việc bổ sung thêm cụm từ “cơ quan, tổ chức hữu quan”. Mặt khác, đã thay cụm từ “tổ chức giám định” thành “giám định pháp y tâm thần”. Quy định về “giám định pháp y tâm thần” rõ hơn nhiều so với quy định “tổ chức giám định” tại BLDS năm 2005. Đây có thể xem là một bước tiến về kỹ thuật lập pháp của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005.

Bên cạnh đó, để có thể tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì cần phải có kết luận giám định pháp y tâm thần. Nếu trong trường hợp chưa có kết luận giám định pháp y tâm thần nhưng gia đình của người bị bệnh không hợp tác để giám định thì thủ tục pháp lý cho việc xem xét người bị bệnh tâm thần có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không gặp nhiều khó khăn. Điều này làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài cũng như không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người bị bệnh tâm thần (người bị yếu thế) trong quá trình giải quyết vụ án dân sự cũng như đảm bảo quyền lợi của các đương sự còn lại, cần áp dụng tương tự quy định nêu trên, cụ thể, cần bổ sung quy định mới: theo đó, pháp luật nên trao quyền cho Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người bị bệnh tâm thần đi giám định. Dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần nếu người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì Tòa án đưa người giám hộ của người bị tâm thần làm người đại diện của họ để tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi của người bị bệnh tâm thần.

Bên cạnh quy định về mất năng lực hành vi dân sự thì Bộ luật Dân sự 2015 cũng đặt ra trường hợp người có khó khăn nhận thức, làm chủ hành ví, tức là những người chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Chính hai khái niệm này đã gây ra những khó khăn trong việc giải quyết vụ án, cụ thể:

Để xác định người mất năng lực hành vi dân sự thì người đó phải là người có dấu hiệu về bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức được hành vi của mình, còn đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là những người sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác dẫn đến không kiểm soát được hành vi của mình. Nhưng đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì xác định rất khó vì người đó là người không nhận thức và làm chủ hành vi của mình nhưng lại không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, quy định không cụ thể như vậy rất khó có thể phân biệt những trường hợp nào là trường hợp mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, căn cứ để xác định đối với cả hai trường hợp trên là dựa vào kết luận giám định pháp y về tâm thần.

Ví dụ thực tế: Anh Nguyễn Văn Đ và chị Nguyễn Thị L kết hôn được 20 năm, mặc dù trước khi kết hôn chị L vẫn biết anh Đ bị mắc bệnh tâm thần phân liệt, thỉnh thoảng có những ngày lên cơn bệnh anh chửi bới vợ con nhưng trong quá trình chung sống anh Đ vẫn có những hành vi, cử chỉ đối xử tốt với vợ con. Khi chị L gửi đơn xin ly hôn ra Tòa án, anh Đ xuất trình bệnh án và Tòa ra quyết định yêu cầu giám định tâm thần đối với anh Đ. Sau đó Hội đồng giám định đã ra kết luận anh Đ mắc bệnh tâm thần phân liệt, căn cứ vào kết luận giám định trên Tòa án ra quyết định Mất năng lực hành vi đối với anh Đ và chỉ định con trai anh Đ là người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này xảy ra 2 khả năng, xác định anh Đ là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định anh Đ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng người đã thành niên ở trong tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự là những người liệt toàn thân nhưng trí óc vẫn còn nhận thức được, người khiếm thính, khiếm thị hoặc không có khả năng nói được, tuy nhiên những người thuộc trường hợp trên họ không phải là người mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự và cũng không phải là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bởi vì, nếu hiểu theo quy định trên thì những người này là người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Vì vậy, khi tham gia các giao dịch dân sự phải thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật. Còn đối với người khiếm thính, khiếm thị, không có khả năng nói họ vẫn nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, họ thực hiện các giao dịch dân sự qua ngôn ngữ, ký hiệu, chữ giành riêng cho người khuyết tật.

Đối với người mất năng lực hành vi dân sự thì mọi giao dịch phải thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật chỉ tiến hành giao dịch dân sự trong phạm vi được đại diện, họ nhân danh quyền và lợi ích của người khác và thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện, còn đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì thông qua người giám hộ, đối với người giám hộ họ đồng thời là người đại diện trong các giao dịch dân sự trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác. Ngoài ra, họ có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ.

Từ ví dụ nêu trên nếu Tòa án tuyên anh Đ là người mất năng lực hành vi dân sự thì mọi giao dịch dân sự của anh Đ sẽ phải thông qua người đại diện theo pháp luật, trong trường hợp tòa án tuyên anh Đ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì khi tham gia giao dịch dân sự của anh Đ đều thông qua người giám hộ và người giám hộ chỉ thực hiện giao dịch dân sự cho anh Đ trong phạm vi đã được xác định trong Quyết định của cơ quan tòa án như vậy người giám hộ không hoàn toàn quyết định các giao dịch dân sự của anh Đ mà chỉ được tham gia thực hiện những giao dịch được xác định trong quyết định của tòa án.

Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khi tham gia tố tụng cần quy định rõ về trường hợp thế nào là người có tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự.

4. Phân biệt người mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự

Khái niệm mất năng lực hành vi dân sự với hạn chế năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng rất hay bị nhầm lẫn do vậy cần có sự đối chiếu để sử dụng và áp dụng quy định cho đúng bản chất của nó.

Mất năng lực hành vi dân sự đã được quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015

Người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi được quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015

Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

2. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Theo Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Hạn chế năng lực hành vi dân sự là:

Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Từ các quy định pháp luật có thể rút ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa mất năng lực hành vi dân sự với hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:

Về những điểm giống nhau:

  • Thứ nhất, họ là những người từng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  • Thứ hai, việc họ bị hạn chế hay bị mất năng lực hành vi dân sự dựa trên quyết định của Tòa án trên cở sở yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.
  • Thứ ba, khi không còn căn cứ cho rằng họ bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ có quyền được khôi phục lại năng lực hành vi dân sự của mình.

Về những điểm khác nhau:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng:

  • Người mất năng lực hành vi dân sự: Người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnhkhác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự
  • Người hạn chế năng lực hành vi dân sự: Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.

Thứ hai, hệ quả pháp lý:

  • Người mất năng lực hành vi dân sự: Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Do quyết định của Tòa (vì tình trạng người này có thể hiểu là lúc tỉnh lúc mơ nên giao dịch dân sư phụ thuộc vào quyết định của tòa qua việc xác định quyền và nghĩa vụ của người giám hộ khi Tòa chỉ định)
  • Người hạn chế năng lực hành vi dân sự: Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư dân sự tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm