Bên cạnh hộ kinh doanh thì doanh nghiệp tư nhân là một hình thức tổ chức đơn giản nhất trong các loại hình chủ thể kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, loại hình này được nhiều nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn và ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì loại hình doanh nghiệp này cũng có những sức hút nhất định. Do vậy, để hỗ trợ và phổ biến tới các bạn đang có ý định thành lập doanh nghiệp tư nhân, xin mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.
Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp 2014;
- Văn bản hợp nhất 902/VBHN-BKHĐT năm 2019 hợp nhất Nghị định về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
- Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
Nội dung tư vấn
1. Khái quát về doanh nghiệp tư nhân
Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về loại hình doanh nghiệp tư nhân tại Điều 183 như sau:
Điều 183. Doanh nghiệp tư nhân
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần”.
Như vậy, từ quy định trên của pháp luật, có thể rút ra một số ưu nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân như sau:
Về ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân:
- Do một cá nhân đầu tư vốn thành lập và làm chủ, do đó, chủ sỡ hữu doanh nghiệp tư nhân là người duy nhất có quyền định đoạt các vấn đề tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.
- Chủ doanh nghiệp cũng đồng thời là đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp.
- Chủ sở hữu doanh nghiệp có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác
- Không yêu cầu chủ doanh nghiệp tư nhân phải chuyển quyền sỡ hữu đối với tài sản đầu tư vào kinh doanh cho doanh nghiệp mà chỉ cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về số vốn đầu tư.
- Do chế độ trách nhiệm vô hạn, thành lập doanh nghiệp tư nhân ít bị ràng buộc hơn.
- Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân tương đối đơn giản.
Về nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân:
- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
- Ở bất kỳ thời điểm nào, mỗi cá nhân chỉ có thể làm chủ một doanh nghiệp tư nhân.
- Tính rủi ro cao khi chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản bằng toàn bộ tài sản của mình.
- Không được góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần trong các loại hình doanh nghiệp khác.
- Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào trên thị trường
Như vậy, từ những phân tích về ưu và nhược điểm trên, hy vọng các thể giúp các bạn đưa ra lựa chọn hợp lý đối với doanh nghiệp mình rằng có nên lựa chọn thành lập doanh nghiệp tư nhân hay không.
2. Thực tiễn thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Hoàn Kiếm
- Quận Hoàn Kiếm là một quận ở trung tâm thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Tên quận được đặt theo tên của hồ Hoàn Kiếm. Quận này bao gồm nhiều trung tâm buôn bán, thương mại lớn như: Tràng Tiền Plaza, chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da. Quận Hoàn Kiếm bao gồm 18 phường: Chương Dương, Cửa Đông, Cửa Nam, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Phúc Tân, Trần Hưng Đạo, Tràng Tiền.
- Quận Hoàn Kiếm với vai trò là một trong những quận trung tâm của thủ đô về phát triển kinh tế – văn hóa – chính trị. Vì vậy, đây cũng là một trong những quận của Hà Nội thu hút lượng lớn các doanh nghiệp thành lập; trong đó, có loại hình doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, có 14309 doanh nghiệp tại quận Hoàn Kiếm thì có khoảng 500 doanh nghiệp tư nhân và có xu hướng tăng lên.
3. Trình tư, thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Hoàn Kiếm
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân được quy định theo Điều 20 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 9, Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Theo đó, muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Hoàn Kiếm, cần chuẩn bị những hồ sơ giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân
- Văn bản ủy quyền (trong trương hợp không trực tiếp thực hiện thủ tục này mà ủy quyền người khác thực hiện)
Bước 2: Nộp hồ sơ
Theo Điều 13 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định về cơ quan đăng kí kinh doanh như sau:
“Điều 13. Cơ quan đăng ký kinh doanh
Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
a) Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh). Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.
Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm một hoặc hai Phòng Đăng ký kinh doanh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập thêm Phòng Đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b) Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh quy định tại Điều 15 Nghị định này (sau đây gọi chung là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).”
Như vậy, đối với cá nhân, tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân tại địa bàn quận Hoàn Kiếm thì cơ quan có thẩm quyền là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hà Nội.
Hiện nay, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện thủ tục đăng ký online trước, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì mới in các loại giấy tờ trên thành các bản cứng để đem tới nộp trực tiếp tại Bộ phận một cửa của Phòng đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận.
Do vậy, đối với những chủ doanh nghiệp muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thì phải truy cập vào cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn và làm theo các bước hướng dẫn đăng ký kinh doanh online.
Sau khoảng thời gian 3 ngày, chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ nhận được phản hồi thông qua tài khoản đã đăng ký trước đó về việc hồ sơ có được chấp thuận hay không.
- Nếu trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì sẽ nhận được thông báo phải xem xét và bổ sung theo hướng dẫn.
- Nếu trường hợp hồ sơ đã hợp lệ và được chấp thuận, lúc này chủ công ty sẽ phải in thành bản cứng các loại giấy tờ mà trước đó đã điền đầy đủ thông tin và lưu trữ dưới dạng file PDF. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo chấp nhận hồ sơ, phải tới Phòng đăng ký kinh doanh để nộp bộ hồ sơ bằng bản cứng. Nếu sau khoảng thời gian 30 ngày mà không tới nộp thì coi như bộ hồ sơ đã đăng ký trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ không còn hiệu lực.
Địa chỉ của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch- Đầu tư thành phố Hà Nội hiện nay có địa chỉ tại Tầng 3 – Nhà B10A – Nam Trung Yên – Hà Nội.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khoảng thời gian 3 ngày từ ngày nộp bản cứng bộ hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh, sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – doanh nghiệp tư nhân. Về mặt pháp lý, đây là thời điểm thành lập của doanh nghiệp tư nhân tại quận Hoàn Kiếm.
Bước 4: Thủ tục sau thành lập doanh nghiệp tư nhân
Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng kí thành lập doanh nghiệp tư nhân, để công ty hoạt động theo đúng quy định pháp luật thì còn phải thực hiện những thủ tục sau đây để đảm bảo hoàn thiện quá trình phát triển lâu dài cho công ty :
- Trong thời hạn 30 ngày, phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp, Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 05/2013/NĐ-CP và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng
- Dựa trên mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), chủ doanh nghiệp tư nhân cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của Cục thuế thành phố Hà Nội (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…). Hiện nay Cục thuế thành phố Hà Nội có địa chỉ tại 187A Giảng Võ, Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù mà pháp luật cần phải xin các loại Giấy phép kinh doanh, Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm,… thì cần thực hiện những thủ tục theo hướng dẫn tại các bài viết nêu trên để biết thêm các bước thủ tục về các loại giấy phép này.
Mong bài viêt hữu ích đối với bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.