Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đã từng nghe thấy những cụm từ như là sàn chứng khoán, các giao dịch chứng khoán trên đài báo, kênh truyền hình. Nhưng vẫn chưa có sự định hình hay hiểu được bản chất của chứng khoán là gì và xa hơn là tác động của chứng khoán như thế nào đến nền kinh tế. Vậy nên, bài viết dưới đây của LSX sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản nhất về chứng khoán.
Căn cứ pháp lý
- Luật chứng khoán 2006 (sửa đổi bổ sung 2010)
Nội dung tư vấn
1. Khái niệm “chứng khoán”:
Tại Khoản 1 Điều 6 Luật chứng khoán 2006 (sửa đổi bổ sung 2010) quy định về khái niệm chứng khoán như sau:
1. Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
Có thể nói chứng khoán là những bằng chứng xác nhận quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Các tổ chức phát hành này thực hiện việc chào bán chứng khoán, theo quy định của pháp luật thì chỉ loại hình doanh nghiệp Công ty Cổ phần có quyền thực hiện việc phát hành chứng khoán, các loại hình doanh nghiệp khác không có quyền phát hành chứng khoán. Nhiều quan điểm cho rằng chứng khoán là 1 loại hàng hóa đặc biệt.
2. Các loại chứng khoán:
Cũng trong quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật chứng khoán sửa đổi bổ sung 2010, Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;
c) Hợp đồng góp vốn đầu tư;
d) Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định.
Do tính chất là một phương tiện hàng hóa trừu tượng có thể thỏa thuận và thay thế được, chúng ta có thể chia chứng khoán thành 3 nhóm chính là: Chứng khoán cổ phần, Chứng khoán nợ và chứng khoán phái sinh.
Chứng khoán cổ phần: Đây là loại chứng khoán phổ biến nhất, được phát hành từ các công ty cổ phần nhằm thu hút sự đầu tư từ thị trường vào công ty. Có thể coi đây là một kênh huy động vốn phổ biến nhất của các công ty cổ phần.
Chứng khoán nợ: Tồn tại dưới hình thức của trái phiếu là sự xác nhận về nghĩa vụ trả nợ của người phát hành phải trả đối với người sở hữu trái phiếu với 1 số tiền cụ thể. Tuy nhiên, tính thanh khoản nợ là rủi ro lớn nhất mà người sở hữu trái phiếu phải gánh chịu, 2 loại trái phiếu phổ biến nhất là trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Thông thường thì trái phiếu chính phủ sẽ có sự chắc chắn và tính thanh khoản cao hơn so với trái phiếu doanh nghiệp.
Chứng khoán phái sinh: Loại chứng khoán này được coi là sự xác nhận về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, có thể kể đến là quyền chọn, bán, hợp đồng tương lai. Bản thân loại chứng khoán này không có giá trị nội tại bằng tài sản hay tiền cụ thể mà được thể hiện dưới các nghĩa vụ nợ và tiền gửi được cơ cấu, các hoán đổi, quyền chọn, lãi xuất,… Vì tính chất phức tạp và yêu cầu cần có các kiến thức không chỉ về kinh tế, luật, ngân hàng,.. cũng như là kinh nghiệm trong việc đầu tư nên loại chứng khoán này không được xuất hiện phổ biến như 2 loại đã kể trên.
Có thể nói sự phong phú và giàu tiềm năng lợi nhuận của chứng khoán đi kèm với đó là tính phức tạp, rủi ro cao yêu cầu các nhà đầu tư chứng khoán phải thật tỉnh táo và nắm bắt thông tin một cách chính xác để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
Hi vọng bài viết hữu ích đối với bạn đọc!
Khuyến nghị
1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102