Thủ tướng được bầu như thế nào?

bởi Luật Sư X

Theo quy định pháp luật hiện hành thì Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Vậy Thủ tướng Chính phủ được bầu ra như thế nào? Có những chức năng và quyền hạn nào? Sau đây Luật Sư X xin giải đáp thắc mắc của mọi người

Căn cứ pháp lý:

  • Hiến pháp năm 2013;
  • Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015;
  • Nghị Quyết số 102/2015/QH15.

Nội dung tư vấn:

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước,đươc bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Để nắm được quá trình bầu ra Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần phải biết Thủ tướng Chính phủ có những chức năng và quyền hạn gì trong quy định của Hiến pháp và pháp luật:

1. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ

Theo quy định tại Điều 98 Hiến pháp 2013 và Điều 28, Luật Tổ chức Chính phủ 2015 thì Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

  • Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí;
  • Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia;
  • Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
  • Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.
  • Phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật.
  • Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.
  • Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  • Quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.
  • Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Chính phủ.

2. Trình tự bầu ra Thủ tướng Chính phủ

Trình tự bầu ra Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 33 Nội quy kỳ họp quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13 như sau:

  • Bước 1: Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, 
  • Bước 2: Ngoài danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh  Thủ tướng Chính phủ; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.
  • Bước 3: Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, mời Chủ tịch nước tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
  • Bước 4: Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.
  • Bước 5: Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
  • Bước 6: Ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.
  • Bước 7: Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ.
  • Bước 8: Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.
  • Bước 9: Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
  • Bước 10: Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.
  • Bước 11: Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ.
  • Bước 12: Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ.

Trên đây là nội dung quy định về trình tự bầu Thủ tướng Chính phủ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 102/2015/QH13.

Trân trọng!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm