Gần đây, có một vụ việc khá nóng mới xảy ra, đó là một thanh niên được nhận 5 tỷ đồng chuyển nhầm vào tài khoản của mình, và anh này đã rút ra hơn 1 tỷ để tiêu xài cá nhân. Vậy hành vi này có được phép hay không? Nếu vi phạm pháp luật thì người vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào
Căn cứ:
- Bộ luật hình sự 2015
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
Đầu tháng 4/2019, trong tài khoản anh Cù Chi Nguyên (19 tuổi, trú tại quận 1, TP HCM) bỗng nhận được 5 tỷ đồng. Sau đó, anh ra cây ATM rút nhiều lần được 1,5 tỷ đồng, số tiền này anh dùng chi tiêu cá nhân và cho người thân.
Thông tin ban đầu, số tiền 5 tỷ đồng mà anh Nguyên nhận được do 1 ngân hàng trên địa bàn TP HCM chuyển khoản nhầm, nguyên nhân do lỗi kỹ thuật từ phía ngân hàng.
Trước hết, cần khẳng định ngay hành vi này của anh Nguyên rút ra tiêu xài là hành vi vi phạm pháp luật. Anh này không thông báo lại về số tài sản bất thường mình nhận được cho phía ngân hàng hay các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, mà lại rút tiền ra để tiêu xài cá nhân. hành vi này được coi là chiếm giữ trái phép tài sản và sử dụng trái phép tài sản. Gần như chắc chắn là anh Nguyên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
1. Xử lý hành chính chiếm giữ trái phép tài sản
Số tiền bị chiếm giữ trái phép là 5 tỷ đồng, chứ không chỉ là hơn 1 tỷ bị rút ra tiêu xài. Bởi lẽ số tiền này nằm trong tài khoản của anh Nguyên, anh Nguyên nắm trong tay số tiền này mà cố tình không báo cho ngân hàng hay cơ quan chức năng để giả quyết. Hành vi rút và tiêu hơn tỷ là hành vi sử dụng trái phép tài sản.
Đối với những vụ việc có tính chất nhỏ, ít nghiêm trọng, hành vi thực hiện lần đầu, tài sản bị chiếm giữ dưới 10 triệu đồng thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm, tức là phải trả lại tài sản chiếm giữ cho chủ sở hữu.
Tuy nhiên, dễ thấy trong vụ việc này thì với số tiền quá lớn, lên đến 5 tỷ thì khả năng cao là nhân vật chính sẽ bị xử lý hình sự chứ không chỉ phạt hành chính.
2. Xử lý hình sự
Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản trên 10 triệu và sử dụng trái phép tài sản đều sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 176, 177 của bộ luật hình sự 2015
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản dưới 100.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Hành vi của anh Nguyên đều rơi vào nhưng trường hợp nặng của cả 2 tội danh, bởi giá trị tài sản quá lớn. Hình phạt cụ thể thì sẽ phải đợi đến khi có bản án, nhưng tối đa có thể lên đến 5 năm cho tội chiếm giữ trái phép tài sản và 7 năm cho tội sử dụng trái phép tài sản. Tổng hợp lại mức án tối đã có thể lên đến 12 năm tù giam, quá nặng cho một thanh niên 19 tuổi.
Kinh nghiệm từ vụ việc này đó là đối với những khoản tiền từ trên trời rơi xuống, các bạn chớ vội vui mừng mà tiêu xài, bởi khả năng cao là sẽ phải trả lại cho người mất hoặc nộp cho cơ quan chức năng. Lưu ý nhé.
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay