Tội hiếp dâm là gì? Tội hiếp dâm xử phạt thế nào?

bởi
Tội hiếp dâm là gì? Tội hiếp dâm xử phạt thế nào?

Hiếp dâm là gì? Tội hiếp dâm xử phạt thế nào theo quy định mới nhất? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Nội dung tư vấn:

Hành vi hiếp dâm là gì?

Hiếp dâm là hành vi của một người dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với người khác trái với ý muốn của họ.

Các dấu hiệu cấu thành của tội hiếp dâm

Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự như sau:

Điều 141. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

c) Nhiều người hiếp một người;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Có tính chất loạn luân;

g) Làm nạn nhân có thai;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khách thể của tội phạm:

  • Xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người;
  • Xâm phạm danh dự, nhân phẩm của con người;
  • Xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

Mặt khách quan của tội phạm:

  • Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của họ bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được hoặc bằng thủ đoạn khác.
    • Hành vi giao cấu trái với ý muốn: là nạn nhân không chấp nhận hành vi giao cấu, có xử sự phản kháng chống lại việc giao cấu hoặc hành vi giao cấu xảy ra không có ý muốn của nạn nhân. Họ đang ở trong tình trạng không thể tự vệ hoặc biểu lộ ý chí;
    • Hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân: là những hành vi tình dục trái với ý muốn của nạn nhân như giao cấu qua miệng, giao cấu qua hậu môn hoặc dùng các phương tiện khác tác động vào bộ phận sinh dục của nạn nhân;
  • Các hành vi trên được thực hiện bằng một trong những thủ đoạn sau:
    • Thủ đoạn dùng vũ lực: là thủ đoạn dùng sức mạnh vật chất đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân chống lại hành vi của người phạm tội như xô ngã, vật, giữ, bóp cổ chân nạn nhân,…;
    • Thủ đoạn đe dọa dùng vũ lực: là thủ đoạn cố ý làm cho ý chí của nạn nhân bị tê liệt không chống lại hành vi của người phạm tội như dọa giết, dọa gây thương tích,…;
    • Thủ đoạn lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân: đây là thủ đoạn lợi dụng nạn nhân vì lý do nào đó không thể chống lại hành vi của người phạm tội như lợi dụng nạn nhân trong tình trạng ốm đau…;
    • Thủ đoạn khác: như dùng chất gây mê để làm cho nạn nhân ngất xỉu, cho uống rượu say, uống chất kích thích để giao cấu…
  • Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm có hành động giao cấu hoặc có hành vi quan hệ tình dục khác, không căn cứ là đã giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác xong hay chưa.

Chủ thể của tội phạm:

  • Là người từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự;
  • Theo quy định của Bộ luật này thì cả nam và nữ đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm, chứ không phải chỉ riêng nam như trước đây.

Mặt chủ quan của tội phạm:

  • Lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái với quy định của pháp luật nhưng vẫn tiếp tục thực hiện và nhận thức được trước hậu quả của hành vi đó;
  • Động cơ, mục đích phạm tội: không phải là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này.

Tội hiếp dâm xử phạt thế nào?

  • Hình phạt chính: gồm 4 khung hình phạt
    • Khung 1: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
    • Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 141 Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
    • Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
    • Khung 4: Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
  • Hình phạt bổ sung: Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hy vọng bài viết “Tội hiếp dâm là gì? hiếp dâm xử phạt thế nào? có ích cho bạn đọc!

5/5 - (2 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm