Căn cứ:
- Bộ luật hình sự 2015
Nội dung tư vấn
1. Trẻ em được hưởng những quyền gì?Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, là những chủ nhân sau này đóng góp xây dựng xã hội phát triển, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy, trẻ em có vai trò rất quan trọng và được gia đình, xã hội, nhà nước chăm sóc, bảo vệ. Theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định thì ” Trẻ em là người dưới 16 tuổi. ” và vì chưa có năng lực nhận thức đầy đủ và để đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện trong một môi trường hoàn hảo nhất có thể nên pháp luật đã quy định trẻ em sẽ được hưởng những quyền sau đây:
- Quyền sống
- Quyền được khai sinh và có quốc tịch
- Quyền được chăm sóc sức khỏe
- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng
- Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu
- Quyền vui chơi, giải trí
- Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc
- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
- Quyền về tài sản
- Quyền bí mật đời sống riêng tư
- Quyền được sống chung với cha, mẹ
- Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ
- Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi
- Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục
- Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động
- Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc
- Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt
- Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy
- Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính
- Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang
- Quyền được bảo đảm an sinh xã hội
- Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội
- Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp
- Quyền của trẻ em khuyết tật
- Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn
Việc được hưởng những quyền như trên thì cũng sẽ đi kèm với những nghĩa vụ bổn phận bắt buộc trẻ em phải thực hiện như là tuân thủ và chấp hành pháp luật. Việc tuân thủ và chấp hành pháp luật là nghĩa vụ không chỉ của trẻ em phải thực hiện mà là điều bắt buộc đối với mỗi công dân. Chúng ta đều biết rằng người trưởng thành khi thực hiện mọi hành vi phạm tội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị xử phạt tiền, phạt tù hoặc có thể là tử hình. Vậy đối với trẻ em khi phạm tội thì sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Liệu có giống như đối với người trưởng thành hay sẽ được giảm nhẹ hơn?
2. Trẻ em phạm tội bị xử lý như thế nào?
Theo Bộ luật hình sự 2015 thì những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thuộc trường hợp luật quy định như sau:
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Theo đó, trẻ em từ đủ 14 tuổi trở lên chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với một trong các tội sau:
- Tội giết người
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
- Tội hiếp dâm
- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
- Tội cưỡng dâm
- Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
- Tội mua bán người
- Tội mua bán người dưới 16 tuổi
- Tội cướp tài sản
- Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
- Tội cưỡng đoạt tài sản
- Tội cướp giật tài sản
- Tội trộm cắp tài sản
- Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
- Tội sản xuất trái phép chất ma túy
- Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
- Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
- Tội mua bán trái phép chất ma túy
- Tội chiếm đoạt chất ma túy
- Tội tổ chức đua xe trái phép
- Tội đua xe trái phép
- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
- Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử
- Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
- Tội khủng bố
- Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Ngoài ra, để tạo cơ hội được làm lại từ đầu cũng như hướng tới một tương lai tươi sáng hơn thì pháp luật cũng quy định không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với những trẻ em dưới 14 tuổi phạm tội hoặc trẻ em từ đủ 14 tuổi phạm tội chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì mặc dù không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng cũng vẫn có thể bị pháp luật xử lý, cụ thể thì sẽ bị xử lý hành chính theo Luật xử lý hành chính 2012 như sau:
Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi:
- Thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự: áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
- Thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự: áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:
- Thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự: áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
- Thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật hình sự: áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Trường hợp người dưới 12 tuổi phạm tội hoặc người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi phạm tội nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng thì hiện nay chưa có quy định pháp luật xử lý các trường hợp này nên cũng không thể xử lý hình sự hay áp dụng các biện pháp xử lý hành chính mà chỉ có thể giáo dục, uốn nắn tại gia đình để trẻ em nhận ra những hành vi sai trái của mình.
Ngoài ra, trong trường hợp trẻ em gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cha, mẹ có thể phải bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:
- Đối với người chưa đủ mười lăm tuổi thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
- Đối với người đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Hiện nay với tốc độ phát triển của xã hội cũng như của công nghệ thông tin ngày một nhanh thì trẻ em tiếp thu thông tin ngày càng dễ dàng hơn, nhưng khả năng chọn lọc của trẻ em rất hạn chế nên có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển nhân cách cá nhân, khiến các em đã phạm tội ở độ tuổi còn nhỏ. Vì vậy, gia đình, nhà trường và xã hội càng phải quan tâm sát sao đối với mầm non đất nước để các em không phạm tội khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả!