Vụ bé gái 15 tuổi ở Bình Thuận bị ép QHTD: Xử lý ra sao theo pháp luật?

bởi DangNgocHa

Trẻ em luôn là đối tượng được bảo vệ, quan tâm đặc biệt trong xã hội bởi với độ tuổi còn nhỏ, khả năng nhận thức, xử sự trước các tác động của thế giới bên ngoài của trẻ chưa được hoàn thiện đầy đủ. Gần đây tại Bình Thuận,  xuất hiện video ghi lại cảnh tại quán karaoke ở Xã Bình Thạch, huyện Tuy Phong, một bé gái tên T. 15 tuổi bị một nhóm 5 người đàn ông khống chế, bắt ép em T. vào ô tô, chở đến một nhà nghỉ tại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong. Trong đó một người trong nhóm này tên Lê Anh Tuấn đã ép em T. (15 tuổi) vào phòng để thực hiện hành vi giao cấu. Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong đang điều tra vụ việc và đã bắt tạm giam Lê Anh Tuấn (40 tuổi, Phó giám độc một doanh nghiệp khai thác than, khoáng sản vật liệu xây dựng tại Bình Thuận) cùng 4 nghi phạm còn lại trong nhóm. Như chúng ta đều biết và có thể cảm nhận được, đây là những hành vi trái đạo đức xã hội, trái lương tâm con người và đặc biệt là để lại những hậu quả tiêu cực có thể ám ảnh, đi suốt cuộc đời bé gái T. 15 tuổi trong video. Vậy pháp luật Việt Nam đã có những quy định nào để có thể áp dụng xử lý những hành vi trong vụ việc trên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ nhỏ trong một xã hội luôn tiềm ẩn những nguy cơ tội phạm? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu trong bài viết này!

Căn cứ pháp lý

Luật trẻ em 2016

Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Trẻ em là ai theo Pháp luật Việt Nam?

Nhắc đến “trẻ em” chúng ta chắc hẳn đều hiểu đối tượng này là ai theo ngôn ngữ cuộc sống giao tiếp đời thường. Tuy nhiên, xét từ góc độ pháp luật yêu cầu tính cụ thể, chính xác cao, không thể chỉ ước lượng chung chung hay ngầm hiểu, do đó pháp luật mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ lại có những quy định cụ thể về độ tuổi được coi là trẻ em. Tại Việt Nam, trẻ em là người dưới 16 tuổi theo quy định tại điều 1 Luật Trẻ em 2016.

Trong vụ việc trên, bé T. 15 tuổi, thuộc đối tượng được coi là trẻ em tại Việt Nam. Các quyền và lợi ích hợp pháp của bé được đặc biệt bảo vệ, quan tâm theo Luật Trẻ em 2016 và các luật, văn bản pháp luật liên quan.

Nhóm các tội phạm tình dục theo Luật Hình sự Việt Nam

Các quyền về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người luôn được Nhà nước quan tâm và bảo vệ. Việc quấy rối, thực hiện các hành vi tình dục với người khác khi không được sự cho phép của họ, tùy theo mức độ nguy hiểm, sẽ được phân loại, xác định là hành vi vi phạm hay tội phạm về tình dục. Các tội phạm liên quan đến tình dục hiện đang được quy định từ điều 141 đến điều 147 , thuộc chương XIV: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người BLHS 2015. Cụ thể bao gồm các tội danh:

– Tội hiếp dâm
– Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
– Tội cưỡng dâm
– Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
– Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
– Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
– Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

Thông qua việc phân loại trên trong BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước tới trẻ em khi việc phân loại tội phạm một phần được dựa trên độ tuổi của người bị xâm phạm. Điều này là cực kì cần thiết và vô cùng quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về tính dễ bị tổn thương, bị lợi dụng của trẻ nhỏ và phản ánh được mức độ nguy hiểm của các tội phạm tình dục có đối tượng tác động trực tiếp hướng đến là trẻ em.

Thống nhất với quy định trong BLHS, khoản 8, điều 4, Luật trẻ em 2016 định nghĩa: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.”

Những hành vi trong vụ bé gái 15 tuổi tại Bình Thuận đã đủ cấu thành tối phạm hay chưa?

Chủ thể

Trong vụ việc trên, 5 nghi phạm được camera ghi lại và đã được Cơ quan CSĐT huyện Tuy Phong bắt giữ bao gồm:

 Lê Anh Tuấn (39 tuổi, quê Quảng Bình – là phó giám đốc một doanh nghiệp khoáng sản, vật liệu xây dựng tại Bình Thuận)

Trương Đình Vinh (32 tuổi, ở thị trấn Liên Hương)

Nguyễn Văn Hùng (41 tuổi, quê Nghệ An)

Nguyễn Văn Chiến (23 tuổi, quê Hà Tĩnh)

Và một đối tượng tên Sơn (chưa rõ địa chỉ)

Có thể nhận xét qua, 5 nghi phạm này đều đã đủ độ tuổi chịu TNHS theo điều 12 BLHS 2015; bên cạnh đó nếu không có thêm tình tiết mới thì có thể nhận định các đối tượng này không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi tại điều 21 BLHS 2015. Do đó, 5 nghi phạm này đều là những người có năng lực chịu TNHS.

Mặt khách quan

*Hành vi khách quan

 5 người đàn ông ở trên đã có những hành vi khách quan gây thiệt hại thể chất, tinh thần tới bé T. bao gồm:

– 5 nghi phạm đã có hành vi khống chế, bắt giữ, ép buộc bé T. vào ô tô rồi đưa đến nhà nghỉ

– 1 người trong nhóm là Lê Anh Tuấn đã ép bé T. vào phòng, ép buộc bé T. thực hiện hành vi giao cấu

Các hành vi của nhóm nghi phạm trên có thể được xếp vào các hành vi khách quan trong Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi “Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” (điểm a, khoản 1, điều 142 BLHS)

Trong video ghi lại vụ việc, có thể thấy rõ sự trái ý muốn của em T. qua hành động vùng ra, kháng cự, chạy đi của em; nhưng vẫn bị nhóm đàn ông đuổi theo, bắt lại, ghì cổ đưa vào trong xe. Đây có thể coi là thủ đoạn dùng vũ lực, tức là dùng sức mạnh vật chất đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân chống lại hành vi của người phạm tội. Bên cạnh đó cũng có thể coi đây là sự lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân – một bé gái 15 tuổi, cả về giới tính nữ, luôn thường có sức lực yếu hơn nam giới, cả về độ tuổi 15 còn là trẻ em chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất sinh học, và xét cả về số lượng 1 em bé gái chống cự lại 5 người đàn ông trưởng thành ở độ tuổi thanh niên, trung niên.

 Trong nhóm 5 người đàn ông khống chế bé T đến nhà nghỉ thì chỉ có 1 nghi phạm Lê Anh Tuấn thực hiện hành vi quan hệ tình dục, cụ thể là hành vi giao cấu. Tuy 4 người còn lại không trực tiếp thực hiện hành vi quan hệ tình dục với em T, nhưng các hành vi dùng vũ lực không chế, bắt giữ em T của 4 người này có thể coi là các hành vi giúp sức, tạo điều kiện cho nghi phạm Lê Anh Tuấn trực tiếp thực hiện tội phạm, do đó có thể coi đây là những hành vi trong trường hợp đồng phạm. Vấn đề đồng phạm trong vụ việc này sẽ được phân tích tiếp rõ hơn ở mục dưới, ở mục này bài viết muốn chỉ tập trung làm rõ hành vi khách quan của nhóm nghi phạm.

*Hậu quả thiệt hại

Các hành vi khách quan trên của nhóm nghi phạm đã gây ra thiệt hại trực tiếp về thể chất và tinh thần cho bé T mới chỉ 15 tuổi. Em T đã được giám định là có sự xâm hại tình dục, bên cạnh đó thiệt hại về tinh thần là những tổn thương tâm lý, sự tổn hại quyền về nhân phẩm, danh dự của em; đặc biệt là trong độ tuổi còn nhỏ, với tính dễ bị tổn thương thì những thiệt hại tinh thần gây ra với em T lại càng sâu sắc và có thể là những ám ảnh tâm lý suốt đời.

Mặt chủ quan

Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm, tuy nhiên đằng sau những biểu hiện bên ngoài này luôn có mối quan hệ với những mặt tâm lý diễn ra bên trong của chủ thể khi thực hiện các hành vi khách quan. Để có thể xác định được tội phạm, không thể chỉ nhìn vào biểu hiện bên ngoài mà còn phải đánh giá và thấy được mối liên hệ của những diễn biến tâm lý bên trong của con người, đó là các yếu tố lỗi, động cơ, mục đích của chủ thể thực hiện tội phạm. Trong vụ việc kể trên, cơ quan công an mới chỉ đang điều tra bước đầu, các tình tiết vụ việc để tiếp cận chưa có nhiều, các thông tin về vụ việc mới chỉ có ở trên báo chí, do đó các phân tích mặt chủ quan của tội phạm trong vụ việc trên sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào yếu tố lỗi.

-Lỗi:

+Về lí trí: Như đã phân tích qua ở mục “Chủ thể”, có thể thấy 5 nghi phạm này có thể nhận thức rõ các hành vi khống chế, ép buộc giao cấu của mình là những hành vi nguy hiểm cho em T, cho xã hội  và thấy trước hậu quả thiệt hại gây ra tới em T là như thế nào những vẫn quyết làm đến cùng.

+Về ý chí: Việc em T đã cố tình vùng ra bỏ chạy mà vẫn bị nhóm đối tượng trên bắt lại cùng với thời gian thực hiện tội phạm đủ lâu để thấy được 5 nghi phạm trên không chỉ thấy trước hậu quả thiệt hại xảy ra với em T do hành vi của mình mà còn mong muốn hậu quả thiệt hại phát sinh; hậu quả xảy ra là phù hợp với dự định, mục đích của các nghi phạm. Trong các thông tin quanh vụ việc này thì ban đầu các nghi phạm này còn “tự tin” là mình sẽ thoát tội.

Như vậy, lỗi của nhóm nghi phạm này có thể xác định là lỗi cố ý, cụ thể là cố ý trực tiếp theo khoản 1 điều 10 BLHS 2015: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”

Khách thể

Khách thể chung của tội phạm trong vụ việc trên là trật tự, an toàn xã hội. Khách thể loại là quyền được tôn trọng về nhân phẩm, danh dự. Khách thể cụ thể là quyền được tôn trọng về nhân phẩm danh dự của em T.

Đối tượng tác động là em T ở độ tuổi 15, là trẻ em theo quy định pháp luật Việt Nam.  

Rút ra

Qua phân tích 4 yếu tố trên, với những thông tin ban đầu của vụ việc, tiếp cận từ báo chí chính thống, có thể kết luận hành vi của 5 nghi phạm trên đã đủ yếu tố cấu thành tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại điều 142 BLHS 2015.

Cần lưu ý thêm, vụ việc trên là tội phạm có tình tiết tăng nặng: có tổ chức (theo điểm a, khoản 3 điều 142 BLHS 2015). Cụ thể khoản 2 điều 17 BLHS 2015 định nghĩa: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Khoản 1 điều 17 BLHS 2015 quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.

Trong nhóm 5 nghi phạm khống chế, bắt giữ em T thì chỉ có 1 nghi phạm là Lê Anh Tuấn trực tiếp thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân. Tuy không trực tiếp thực hiện tội phạm, nhưng 4 nghi phạm còn lại có thể bị coi là người giúp sức, tạo điều kiện vật chất để Lê Anh Tuấn dễ dàng trực tiếp thực hiện tội phạm.

Hình phạt có thể được đặt ra cho các nghi phạm

Xác định tội danh, phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm là bước đầu, là cơ sở quan trọng để dựa vào đó quyết định hình phạt thích đáng, đúng người, đúng tội, đúng mức độ nguy hiểm của tội phạm. Sau khi đã xác định tội danh có thể định cho nhóm nghi phạm trên là Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tình tiết tăng nặng là tính có tổ chức, căn cứ vào khoản 3 điều 142 BLHS 2015, khung hình phạt các nghi phạm có thể phải gánh chịu là: “bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Ngoài ra, khung hình phạt bổ sung có thể áp dụng được quy định là: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cần lưu ý đây là tội phạm thuộc trường hợp đồng phạm. Do đó theo điều 58 BLHS 2015 thì khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Có thể bạn quan tâm

Xâm hại tình dục bé gái 6 tuổi bị xử phạt bao nhiêu năm tù theo quy định?

Hiếp dâm trẻ 15 tuổi làm nạn nhân có thai bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

Quan hệ tự nguyện với người từ 16- 18 tuổi dẫn đến có thai có phải chịu TNHS

Thông tin liên hệ Luật sư X

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về “Vụ việc bé gái 15 tuổi tại Bình Thuận bị hiếp dâm”. Luật sư X là đơn vị Luật uy tín, chuyên nghiệp; được nhiều cá nhân và tổ chức đặt trọn niềm tin về dịch vụ pháp lý. Được hỗ trợ và đồng hành để giải quyết những khó khăn về mặt pháp lý của quý khách là mong muốn của Luật sư X.

Nếu còn thắc mắc hoặc muốn sử dụng các dịch vụ thành lập công ty của chúng tôi; hãy liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp


Ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm với trẻ em. Pháp luật Việt Nam hiện còn biện pháp nào khác để bảo vệ trẻ em trong trường hợp trẻ bị xâm hại?


Căn cứ Luật trẻ em 2016, bảo vệ trẻ em được thực hiện theo 3 cấp độ: Phòng ngừa; Hỗ trợ; Can Thiệp. Khi trẻ đã bị xâm hại tình dục, thì việc bảo vệ trẻ em được thực hiện ở cấp độ can thiệp. Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp bao gồm:
– Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;
– Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;
– Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này;
– Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi
– Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;
– Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;
– Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 43, Khoản 1 Điều 44 và Điểm d Khoản 2 Điều 49 của Luật này;
– Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại

Quá trình tố tụng một vụ án hình sự có thể trải qua các giai đoạn nào?

Trình tự giải quyết một vụ án hình sự có thể trải qua các giai đoạn:
– Khởi tố vụ án hình sự – Điều tra vụ án hình sự – Truy tố – Xét xử (Sơ thẩm; Phúc thẩm) – Thi hành bản án, quyết định – Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Giám đốc thẩm; tái thẩm)

Trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em thuộc về ai?

Căn cứ điều 51 Luật trẻ em 2016:
– Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.
– Cơ quan lao động – thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, Điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.
– Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.
 

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm