Xe không phù hiệu phạt bao nhiêu?

bởi Luật Sư X
Phù hiệu xe là một trong những dấu hiệu để cơ quan Nhà nước quản lí thực hiện vai trò kiểm soát phương tiện khi tham gia giao thông. Vậy những loại xe nào bắt buộc phải gắn phù hiệu và mức chế tài xử phạt trong trường hợp xe không có/ phù hiệu có nhưng hết hạn sử dụng là bao nhiêu ? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Căn cứ:

  • Luật giao thông đường bộ 2008
  • Nghị định 86/2014/NĐ-CP
  • Nghị định 46/2016/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Những loại xe nào phải có phù hiệu khi tham gia giao thông. Theo Khoản 3 Điều 11 Nghị định 86.2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì:

Điều 11. Quy định đối với lái xe, người điều hành vận tải và xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải.

3. Xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe taxi, xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe chở công – ten – nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô vận tải hàng hóa phải được gắn phù hiệu; xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch phải được gắn biển hiệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Như vậy đối tượng phải được gắn phù hiệu bao gồm:

– Vận tải trung chuyển hành khách theo tuyến cố định sử dụng xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả người lái xe)

– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.

 – Xe vận tải hành khách bằng xe buýt.

 – Xe vận tải hành khách bằng xe taxi.

– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch.

 – Xe chở Công-ten-nơ, xe đầu kéo (kéo rơ móc, sơ mi rơ móc)

– Xe ô tô vận tải hàng hoá.

Trong đó nhiều trường hợp thắc mắc là xe vận tải hàng hoá dưới 3.5T thì có phải cần gắn phù hiệu hay không?  Như đã nói ở khoản 3 Điều 11 trên thì luật nêu “xe ô tô vận tải hàng hoá phải được gắn phù hiệu”. Vậy có thể hiểu chỉ chỉ cần là xe ô tô vận tải hàng hoá mà không phân biệt tải trọng thiết kế. Ngoài ra theo Khoản 4 Điều 11 Nghị định 86/2014 thì:

Điều 11. Quy định đối với lái xe , người điều hành vận tải và xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải.

4. Đối với những loại xe chưa được gắn phù hiệu trước khi Nghị định này có hiệu lực thì việc gắn phù hiệu được thực hiện theo lộ trình sau đây:

a) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 đối với xe buýt, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;

b) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;

c) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kếtừ 07 tấn đến dưới 10 tấn;

d) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 07 tấn;

đ) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.

Như vậy xe tải dưới 3,5T vẫn phải được gắn phù hiệu. 2. Mức phạt đối với hành vi không có phù hiệu. Đối với xe khi tham gia lưu thông không có phù hiệu thì sẽ bị xử phạt theo Điều 24 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Điều khiển xe không có; hoặc không gắn phù hiệu theo quy định (đối với loại xe có quy định phải gắn phù hiệu) hoặc có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

9. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2; Điểm b Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Ngoài ra trường hợp này thì chủ phương tiện cũng bị xử phạt thêm theo Khoản 8 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 6 Điều 23; Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 6 Điều 23; Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều 24 Nghị định này.

Như vậy, đối với người điều khiển xe tải không gắn phù hiệu theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe tải còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Không chỉ xử phạt với người điều khiển xe mà chủ xe cũng bị xử phạt. Theo đó, chủ xe là cá nhân bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; chủ xe là tổ chức bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng. Trên đây là một số vấn đề có liên quan đến phù hiệu xe. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn.

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về Xe không phù hiệu phạt bao nhiêu? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.

Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm