05 trường hợp cảnh sát giao thông được dừng xe!

bởi Luật Sư X

Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ khi nào mình có hành vi vi phạm pháp luật mới bị các đồng chí cảnh sát giao thông dừng xe và thông báo lỗi cũng như xử phạt. Suy nghĩ này chưa hoàn toàn đúng trong một số trường hợp. Cụ thể, có 05 trường hợp mà pháp luật cho phép cảnh sát giao thông có quyền dừng phương tiện. Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn:

1. Khi nào thì cảnh sát giao thông được yêu cầu dừng xe

Việc dừng phương tiện đang tham gia giao thông trên đường thuộc thẩm quyền của cánh sát giao thông, cảnh sát cơ động ( khi có thẩm quyền) …Đa phần, việc dừng xe sẽ chỉ xuất hiện khi người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, có lúc người điều khiển không hiểu mình đã phạm lỗi gì nhưng vẫn được yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Thậm chí là “cãi lại” đồng chí cảnh sát. 

Trên thực tế, pháp luật quy định 5 trường hợp cảnh sát giao thông có quyền dừng xe khi tham gia. Cụ thể: 

Cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát trong trường hợp: Phát hiện hành vi vi phạm; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền; Khi nhận được tin báo, tố giác…

  • Khi phát hiện có hành vi vi phạm. Cảnh sát giao thông trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ như vượt đèn đỏ, quên xi nhan, xe không gương…
  • Khi cảnh sát giao thông Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên. Tùy theo những chính sách khác nhau, thời hạn nhất định thì cảnh sát giao thông sẽ thực hiện tuần tra, kiểm soát bằng việc dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ. 
  • Khi cảnh sát giao thông thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
  • Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp. Chẳng hạn như tiếp đón nguyên thủ quốc gia, đảm bảo an ninh, trật tự…
  • Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông: biện pháp dừng phương tiện ở đây như là một biện pháp phòng ngừa tội phạm.

5 trường hợp trên được cụ thể hóa từ khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA

Điều 12. Các trường hợp được dừng phương tiện

….

2. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

d) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Mặc dù đã có căn cứ về việc được dừng phương tiện, nhưng về nguyên tắc, khi dừng phương tiện, cảnh sát giao thông phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động giao thông.

2. Quy trình dừng xe của cảnh sát giao thông.

Bước 1: Hiệu lệnh dừng phương tiện

Đa phần việc dừng phương tiện được thực hiện khi người điều khiển có hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên, một số trường hợp như thực hiện tổng kiểm tra,  phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm,…thì cảnh sát giao thông cũng thực hiện việc dừng phương tiện. 

Việc dừng phương tiện được thực hiện thông qua các tín hiệu của cảnh sát giao thông. Cụ thể, có 3 phương tiện được dùng: 

  • Bằng tay, gậy chỉ huy giao thông: Đây là dụng cụ thường xuyên dùng của cảnh sát giao thông trong khi thực hiện nhiệm vụ
  • Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra như ô to, xe máy.
  •  Đèn tín hiệu, biển báo hiệu, Barie hoặc rào chắn.

Theo Điều 13 Thông tư 65/2012/TT-BCA được cụ thể: 

Điều 13. Hiệu lệnh dừng phương tiện

1. Hiệu lệnh dừng phương tiện của Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện, bao gồm:

a) Bằng tay, gậy chỉ huy giao thông;

b) Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra;

c) Đèn tín hiệu, biển báo hiệu, Barie hoặc rào chắn.

Tác phong khi cảnh sát giao thông thực hiện dừng xe tại 1 điểm được thực hiện như sau: 

Khi phát hiện xe vi phạm, Cảnh sát giao thông đứng nghiêm hướng về phía phương tiện cần kiểm soát đồng thời tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, thổi 01 hồi còi dài, dứt khoát.

Sau khi thực hiện thổi còi, người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ thì cảnh sát giao thông dùng gậy chỉ huy giao thông kết hợp âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí thích hợp.

Lưu ý: Việc dừng phương tiện không gây cản trở giao thông cũng như gây mất an toàn cho chính cán bộ giao thông và những người xung quanh. 

Bước 2: Thực hiện chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời nói

  • Về lời chào: Sau khi dừng phương tiện cũng như đưa phương tiện vào vị trí an toàn thì chiến sĩ cảnh sát giao thông thực hiện việc chào hỏi bằng tác phong và lời nói.
  • Về Cách xưng hô: Tùy từng trường hợp mà cán bộ cảnh sát giao thông có thể xưng hô bằng “đồng chí” và xưng “tôi” hoặc tùy thuộc vào phong tục. 
  • Về tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.

Cụ thể được quy định tại Điều 36 Thông tư 17/2012/TT-BCA

Điều 36. Chào

1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi gặp nhau phải chào; cấp dưới phải chào cấp trên trước; cùng chức vụ thì người nào có cấp bậc thấp hơn phải chào trước; ngang chức, ngang cấp thì người nào tuổi đời thấp hơn hoặc nhìn thấy trước phải chào trước; người được chào phải chào lại; khi mặc trang phục có đội mũ hoặc không đội mũ phải chào bằng động tác theo điều lệnh đội ngũ hoặc chào bằng lời, hoặc kết hợp chào bằng động tác và bằng lời; thường xuyên gặp nhau trong ngày thì lần đầu chào bằng động tác, lần sau chào bằng lời; mặc thường phục chỉ chào bằng lời.

Bước 3:  Kiểm tra giấy tờ và thông báo lỗi

Như đã phân tích ở trên, việc dừng xe đa phần là người điều khiển có hành vi vi phạm luật an toàn giao thông, bên cạnh đó còn có những trường hợp tuần tra,…Vì vậy, việc dừng xe thì cảnh sát giao thông trước tiên phải thực hiện kiểm tra giấy tờ. 

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA thì việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện bao gồm các giấy tờ sau: 

  • Giấy phép lái xe;
  • Giấy đăng ký xe;
  • Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ;
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải;
  • Việc kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn!

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về 05 trường hợp cảnh sát giao thông được dừng xe! Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.

Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm