Hiện nay, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng là hoạt động quan trọng đối với mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc chỉ sử dụng vốn nhà nước để đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn về ngân sách. Vì vậy, để thu hút sự tham gia đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Quốc Hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Việc ban hành quy định này đã tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện. Đồng thời tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP. Vậy cụ thể đầu tư theo phương thức đối tác công tư là gì? Quy định về vấn đề này như thế nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020
Nội dung tư vấn
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là gì?
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết; thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Để hiểu rõ thêm về khái niệm đầu tư theo phương tức PPP, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu: hợp đồng dự án PPP và dự án PPP là gì?
Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư; doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP theo quy định.
Dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư. Dự án nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động. Cụ thể:
1. Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng.
2. Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa; vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.
3. Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.
Đặc điểm của đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Pháp luật quy định đầu tư theo phương thức PPP có một số đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, PPP là phương thức tạo lập tài sản công. Tài sản này nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội (hạ tầng, năng lượng, môi trường …)
Thứ hai, Nhà nước không phải chi trả các khoản đầu tư cho dự án. Nhà nước sẽ định hướng phát triển, tạo cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư, khai thác, tư vấn.
Thứ ba, dự án PPP nhằm mục đích công. Tuy nhiên có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, lựa chọn nhà đầu tư.
Thứ tư, về phân chia lợi ích. Nhà nước giải quyết được vấn đề thiếu vốn đâu tư công; tạo cơ chế hỗ trợ đầu tư, duy trì sở hữu toàn dân. Còn nhà đầu tư được thực hiện quyền tự do kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, góp phần phát triển đất nước.
Lĩnh vực đầu tư
Các bên được đầu tư theo phương thức PPP vào các lĩnh vực sau:
1. Giao thông vận tải.
2. Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định.
3. Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải.
4. Y tế; giáo dục – đào tạo.
5. Hạ tầng công nghệ thông tin.
Quy mô đầu tư
Nhằm tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 đã quy định về quy mô đầu tư đối với từng lĩnh vực. Cụ thể:
1. Từ 200 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, lưới điện, nhà máy điện, thủy lợi… và hạ tầng công nghệ thông tin. Trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì không thấp hơn 100 tỷ đồng.
2. Từ 100 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo.
Tuy nhiên, quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu trên không áp dụng đối với dự án theo loại hợp đồng O&M.
Quy trình thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Quy trình thông thường
Đối với dự án thông thường, các bên thực hiện dự án PPP theo 5 bước:
Bước 1: Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án.
Bước 2: Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án.
Bước 3: Lựa chọn nhà đầu tư.
Bước 4: Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP.
Bước 5: Triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.
Quy trình đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao
Đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; hoặc ứng dụng công nghệ mới. Quy trình đối với các dự án này phức tạp hơn, cụ thể:
Bước 1: Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án.
Bước 2: Lựa chọn nhà đầu tư.
Bước 3: Nhà đầu tư được lựa chọn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bước 4: Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án.
Bước 5: Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP.
Bước 6: Triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.
Câu hỏi thường gặp
Hợp đồng dự án PPP mang lại tính rủi ro cao đối với các bên tham gia ký kết do thời gian dài. Thông thường PPP là một cam kết hợp tác lâu dài (khoảng 10-50 năm) trong đó quyền lợi và trách nhiệm của các bên được phân bổ tương ứng với phần tham gia của mỗi bên.
Chủ thể tham gia đàm phán và ký kết hợp đồng dự án PPP bao gồm một bên là Nhà nước – đối tác công (Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam) và một bên là nhà đầu tư PPP. Nhà đầu tư PPP có thể là một pháp nhân độc lập; hoặc liên danh giữa nhiều pháp nhân tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Cơ chế PPP tạo ra cơ chế năng động trong việc phân công hợp lý giữa các bên trong hợp đồng dự án PPP. Bên nào có khả năng làm tốt hơn một công việc cụ thể sẽ được phân giao thực hiện phần việc đó, đồng thời được hưởng các quyền lợi từ phần việc đó.
Mô hình PPP tạo sự chia sẻ lợi ích và rủi ro qua triết lý phân công. Cụ thể mỗi bên đảm nhận phần việc mà mình làm tốt nhất. Thông thường, Nhà nước sẽ đảm nhận về chính sách, công cụ pháp lý và đất đai. Còn nhà đầu tư tư nhân đảm nhận về vốn, nguồn nhân lực và kỹ thuật.
Thông tin liên hệ với Luật sư X
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về quy định đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833 102 102