Bộ Luật hình sự hiện hành qui định chế tài xử phạt đối với những tội phạm; tuy nhiên thực tế chỉ ra rằng; những hành vi phạm tội thường diễn ra theo nhiều cách thức khác nhau. Mỗi đối tượng phạm tội lại thực hiện tội phạm bởi các động cơ và thủ đoạn khác nhau. Pháp luật hình sự có quy định về các tình tiết tăng nặng và các tình tiết giảm nhẹ để đảm bảo việc xử phạt đúng người đúng tôi, đủ sức răn đe.
Căn cứ pháp lý:
Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phản ánh nên cách thức thực hiện tội phạm. Các đối tượng khác nhau sẽ có phương thức; thủ đoạn thực hiện phạm tội khác nhau. Các phương thức này là việc trực tiếp thực hiện; hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm diễn ra một cách dễ dàng. Sau đây xin phân tích các quy phạm tại Điều 52 Bộ Luật hình sự quy định về các tình tiết tăng nặng để làm rõ hơn các vấn đề này:
1. Phạm tội có tổ chức ( Điểm a Khoản 1 Điều 52)
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 17 định nghĩa:
“Tội phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”
Từ định nghĩa trên có thể thấy phạm tội có tổ chức là một hình thức của đồng phạm; khi có từ 2 người trở lên cùng cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên; tội phạm có tổ chức có mức độ nguy hiểm hơn so với đồng phạm. Bởi lẽ; phạm tội có tổ chức là khi các đồng phạm cùng nhau câu kết chặt chẽ; có sự bàn bạc; và chuẩn bị kỹ lưỡng trước và trong quá trình thực hiện phạm tội.
Các tội phạm có tổ chức thường tồn tại dưới các hình thức băng, đảng, nhóm tội phạm, có kẻ cầm đầu chỉ đạo. Thực tế thấy rằng; đa số các hành vi phạm tội có tổ chức gây ra hậu quả có mức độ nguy hiểm; và nghiêm trọng hơn so với hành vi phạm tội của cá thể. Do đó, phạm tội có tổ chức được xem là một tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS. Theo đó tại khoản 2 quy định về các tình tiết tăng nặng đối với tội trộm cắp tài sản có tình tiết phạm tội có tổ chức sẽ phải chịu án tù cao hơn lên tới 7 năm tù so với án phạt cao nhất là 3 năm tù tại khoản 1.
2. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp ( Điểm b Khoản 1 Điều 52)
Cũng có thể gây ra hậu quả có tính nguy hiểm hơn cho xã hội; đó là các hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Căn cứ theo Mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ- HĐTP hướng dẫn về hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp như sau:
5.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a. Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
b. Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu thập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
5.2. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:
a. Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
b. Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS.
3. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội ( Điểm c Khoản 1 Điều 52)
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định khi thực hiện công vụ
Việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội là tội phạm được thực hiện bởi những người nắm giữ chức vụ và có quyền hạn và hành vi phạm tội có liên quan đến lĩnh vực, chức vụ, quyền hạn của họ. Yếu tố chức vụ, quyền hạn là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để hành vi phạm tội được diễn ra. Phải lưu ý rằng, những hành vi phạm tội của người có chức vụ, quyền hạn nhưng không liên quan đến lĩnh vực, chức vụ quyền hạn của họ thì cũng không thể áp dụng tình tiết tăng nặng cho những đối tượng này.
Ví dụ: Ông A là công an, lợi dụng uy tín là công an để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của B. Lúc này, A sẽ bị xử phạt tội làm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản ( Điều 175) và sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội
Tuy nhiên, vẫn là A, nếu A không dùng danh phận là công an để gây dụng lòng tin với B. Thì hành vi chiếm đoạt của A sẽ không bị áp dụng tình tiết tăng nặng lợi dụng chức vụ để phạm tội.
4. Phạm tội có tính chất côn đồ ( ĐIểm d Khoản 1 Điều 52)
Có tính chất côn đồ là hành động của những tên giang hồ, côn đồ coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt.
Đối với những đối tượng như vậy, pháp luật quy định là tình tiết tăng nặng hình phạt nhằm răn đe, chấn áp loại tội phạm này.
5. Phạm tội vì động cơ đê hèn ( Điểm đ Khoản 1 Điều 52)
Động cơ đê hèn được hiểu là người phạm tội thực hiện tội phạm với động cơ rất xấu xa, thấp hèn, đáng khinh bỉ, không kẻ gì đến danh dự, nhân phẩm, tư cách của một con người. Dù chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể thế nào là động cơ đê hèn. Tuy nhiên từ thực tiễn xét xử có thể liệt kê ra một số trường hợp sau đã bị Tòa án kết luận là phạm tội vì động cơ đê hèn như sau:
- Giết vợ hoặc giết chồng để tự do lấy vợ hoặc lấy chồng khác
- Giết chồng để lấy vợ hoặc giết vợ để lấy chồng nạn nhân
- Giết người tình mà biết họ đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm làm cha đứa trẻ
- Giết chủ nợ để trốn nợ
- Giết người là ân nhân của mình
6. Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng ( Điểm e Khoản 1 Điều 52)
Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng là ý chí quyết tâm thực hiện ý định phạm tội của mình, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những cản trở khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Điều này được thể hiện qua hành vi của người phạm tội, và ý chí quyết tâm cao thực hiện bằng được tội phạm. Tình tiết này không phụ thuộc vào kết quả có thực hiện được tội phạm hay không mà chỉ căn cứ vào ý chí quyết tâm của người phạm tội để xác định áp dụng tình tiết tăng nặng
Ví dụ: Do có mâu thuẫn nên A cầm dao đến nhà B để giết B. Tuy nhiên khi đến nhà thì B đóng kín cửa và báo công an. A thấy công an tới liền bỏ trốn. Tới tối thì A đột nhập vào nhà B và đâm chém B nhưng B không chết. Trường hợp này A vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người và bị áp dụng tình tiết tăng nặng cố ý thực hiện tội phạm đến cùng dù chưa hoàn thành mục đích là giết B
7. Phạm tội 2 lần trở lên ( Điểm g Khoản 1 Điều 52)
Đây là các trường hợp mà người phạm tội đã thực hiện một hành vi phạm tội từ 2 lần trở lên nhưng chưa bị phát giác, chưa bị bắt và khỏi tố vì hành vi phạm tội đó.
Ví dụ: Đối tượng A nhiều lần thực hiện hành vi cướp giật túi xách của người đi đường trên đường phố. Tuy nhiên chưa lần nào bị công an bắt và khởi tố. Vào ngày 20/4/2019 khi A vừa thực hiện hành vi cướp giật thì bị tổ công tác tuần tra công an quận 1 phát hiện và truy đuổi. A bị bắt và trong quá trình điều tra lấy lời khai thì A là người thực hiện các hành vi cướp giật trên địa bàn quận trong thời gian gần đây. Lúc này A sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm phạm tội 2 lần trở lên
8. Tái phạm và tái phạm nguy hiểm ( Điểm h Khoản 1 Điều 52)
Pháp luật quy định tái phạm và tái phạm nguy hiểm là hình thức tăng nặng trách nhiệm hình sự bởi những hành vi tái phạm thường thể hiện ý chí coi thường pháp luật khi tiếp tục thực hiện lại hành vi phạm tội mặc dù trước đó đã bị kết án về hành vi phạm tội đó. Cụ thể tại Điều 53 quy định về tái phạm và tái phạm nguy hiểm như sau:
Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Cần phải phân định rõ sự khác nhau giữa tái phạm và phạm tội
9. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên ( Điểm i Khoản 1 Điều 52)
Người già, phụ nữ và trẻ em luôn là những đối tượng được tất cả xã hội bảo vệ và che trở. Do đó, đối với những hành vi phạm tội với những đối tượng này được pháp luật qui định áp dụng tình tiết tăng nặng.
10. Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác ( Điểm k Khoản 2 Điều 52)
11. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội ( Điểm l Khoản 2 Điều 52)
Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng khẩn cấp đều là những hoàn cảnh éo le đòi hỏi phải có sự đoàn kết đồng lòng để khắc phục những thiệt hại và vượt qua khó khăn. Do đó những hành vi lợi dụng hoàn cảnh như vậy để phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiếp tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: A lơi dụng tình trạng lũ lụt mọi người phải đi sơ tán hết để đột nhập vào nhà người khác lấy trộm đồ đạc. Như vậy, hành vi của A sẽ bị xử phạt tội trộm cắp tài sản và áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
12. Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội ( Điểm m Khoản 2 Điều 52)
Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội ( Điểm n Khoản 2 Điều 52)
Dùng thủ đoạn tàn ác trong khi phạm tội là người phạm tội có những mánh khóe, cách thức độc ác một cách tàn nhẫn, hoặc gây tác hại cho hàng loạt người không chút thương xót như: tra tấn cho tới chết, giết người bằng cách mổ bụng, moi gan, móc mắt, cắt cổ hoặc bắn vào chỗ đông người, ném lựu đạn vào nơi tập trung đông người…..
Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này tùy thuộc vào tính chất mức độ xảo quyệt, tàn ác của thủ đoạn mà kẻ phạm tội đã thực hiện. Thủ đoàn càng nham hiểm tinh vi, tàn nhẫn hoặc gây thiệt hại cho nhiều người bao nhiêu thì mức tăng nặng càng nhiều và ngược lại.
13. Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội ( Điểm o Khoản 2 Điều 52)
Người dưới 18 tuổi là những người chưa thành niên nên chưa có sự nhận thức đầy đủ về những hành vi và hậu quả của những việc mình gây ra. Do đó, nếu người phạm tội có hành vi rủ rê, kích động người dưới 18 tuổi phạm tội thì cũng sẽ bị áp dụng tình tiếp tăng nặng trách nhiệm hình sự.
14. Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
Hành động xảo quyệt là những việc làm gian dối một cách thâm hiểm, khó mà lường thấy được.
Hành động đó nhằm mục đích trốn tránh, che giấu tội phạm. Những hành động này cản trở hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, làm cho tội phạm khó bị phát hiện hoặc có nguy cơ khó phát hiện
Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào tính chất và mức độ xảo quyệt, hung hẵn mà bị cáo thực hiện sau khi phạm tội.
Trên đây là những trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự được pháp luật hình sự quy định để nhằm xử lý những tội phạm có tính chất nguy hiểm hơn đối với xã hội.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay