Căn cứ:
- Luật Căn cước công dân 2014
- Nghị định 05/1999/NĐ-CP
- Thông tư 57/2013/TT-BCA
Nội dung tư vấn
1. Chứng minh nhân dân – hai trong ba loại giấy tờ có giá trị chứng minh cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân
Theo quy định của pháp luật hiện hành, từ ngày 01/01/2016, có 3 loại giấy tờ có giá trị chứng minh cơ bản về lai lịch, nhận dạng của người được cấp gồm: Chứng minh nhân dân 9 số; Chứng minh nhân dân 12 số và thẻ Căn cước công dân. Theo đó, cả 3 loại giấy tờ này chỉ khác nhau về tên gọi nhưng đồng thời tồn tại và có giá trị giống nhau. Trong đó, thẻ Căn cước công dân và CMND 12 số cùng được sản xuất từ một loại phôi, công nghệ giống nhau.
Hiện nay, các tỉnh cấp thẻ Căn cước công dân 2019 gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước đó, 16 tỉnh, thành phố này cũng triển khai cấp Chứng minh nhân dân 12 số và dừng cấp Chứng minh nhân dân 12 số chuyển sang cấp Căn cước công dân (từ ngày 01/01/2016).
Như vậy, 47 tỉnh, thành còn lại (chưa triển khai thẻ Căn cước công dân) thì vẫn sử dụng Chứng minh nhân dân 9 số. Và chậm nhất đến ngày 01/01/2020, sẽ thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân trên cả nước.
2. Vậy khi nào phải đi làm lại chứng minh nhân dân?
Như đã nêu ở trên, chứng minh nhân dân 9 số và 12 số là hai trong ba loại giấy tờ có giá trị chứng minh cơ bản về lai lịch, nhận dạng của một công dân. Trong quá trình sử dụng có những người phải đi làm lại loại giấy tờ này. Vậy khi nào phải đi làm lại? Đối với chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định về trường hợp được cấp lại Chứng minh nhân dân: “Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại”. Như vậy, theo quy định của Nghị định 05/1999/NĐ-CP, có thể hiểu rằng công dân phải đi làm lại chứng minh nhân dân trong trường hợp bị mất chứng minh nhân dân.
3. Một số lưu ý khi phải đi làm lại chứng minh nhân dân
Thứ nhất, người đi làm lại Chứng minh nhân dân phải từng được cấp Chứng minh nhân dân và không thuộc nhóm 04 đối tượng tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 4 Nghị định 05/1999/NĐ-CP:
- Đang chấp hành lệnh tạm giam tại trại tạm giam, nhà tạm giữ
- Đang thi hành án phạt tù tại trại giam, phân trại quản lý phạm nhân thuộc trại tạm giam
- Đang chấp hành quyết định đưa vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh
- Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có khả năng điều khiển được năng lực hành vi của bản thân
Thứ hai, người đi làm lại Chứng minh nhân dân nếu thuộc 16 tỉnh, thành phố hiện đã triển khai cấp thẻ Căn cước công dân như đã nêu trên thì người đi làm lại Chứng minh nhân dân sẽ được cấp mới thẻ Căn cước công dân. Đặc biệt, người đã được cấp Chứng minh nhân dân 12 số khi cấp đổi sang thẻ Căn cước công dân sẽ được giữ nguyên số Chứng minh nhân dân được cấp trước đó.
Về hồ sơ và thủ tục, bạn hãy tham khảo thêm 02 bài viết sau đây của chúng tôi về: Thủ tục xin cấp lại chứng minh nhân dân khi bị mất và chuyển từ Chứng minh nhân dân qua Căn cước công dân.
Hy vọng bài viết trên hữu ích đối với bạn!