Từ xưa đến nay, âm nhạc luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, hàng năm, có rất nhiều bài hát được ra đời để đáp ứng thị trường âm nhạc. Với mục đích khuyến khích việc sáng tác bài hát của nhạc sĩ, pháp luật đã đưa ra những chế định để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của bài hát. Tuy nhiên không phải bài hát nào cũng được pháp luật bảo hộ. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc vấn đề về việc bảo hộ bảo hộ bài hát
Căn cứ:
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009)
Nghị định 22/2018/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, bài hát là đối tượng được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ (vì là tác phẩm nghệ thuật, đối tượng của quyền tác giả – một trong ba loại quyền sở hữu trí tuệ). Hơn thế nữa bài hát được bảo hộ khi nó được định hình dưới một dạng nhất định mà không cần đăng ký bảo hộ hay còn gọi là đăng ký bản quyền. Tuy nhiên việc đăng ký bản quyền sẽ giúp tác giả hoặc chủ sở hữu bài hát bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn khi có tranh chấp xảy ra.
1. Bài hát là đối tượng của quyền tác giả
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì đối tượng của quyền tác giả được bảo hộ bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Tác phẩm nghệ thuật theo khoản 1 Điều 14 luật này bao gồm tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu… Mà tác phẩm âm nhạc theo Điều 10 Nghị định 22/2018 là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.
Từ đó, có thể thấy bài hát chính là tác phẩm được định hình trên bản ghi âm hoặc ghi hình có lời nên là một loại tác phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới dạng đối tượng của quyền tác giả.
Ví dụ: Các bài hát nổi tiếng hiện nay đều được bảo hộ như Sóng Gió của Jack và K-ICM, Có Tất Cả Nhưng Thiếu Anh của ERIK, Nếu Ngày Ấy của Soobin Hoàng Sơn.
2. Điều kiện để bài hát được bảo hộ
Một bài hát để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần đáp ứng tất cả những điều kiện sau để được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ:
- Phải do chính tác giả sáng tạo ra bài hát, không được sao chép từ người khác (có tính nguyên gốc).
- Thể hiện dưới dạng vật chất nhất định. Có nghĩa là nếu một bài hát chỉ xuất hiện ở dạng ý tưởng sẽ không được bảo hộ.
- Không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Ví dụ: Nhạc sĩ B là người sáng tác ra bài hát X nhưng bài hát này lại sao chép 2/3 bài hát của một nhạc sĩ D trước đó nên bài hát X sẽ không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
3. Những quyền sở hữu trí tuệ mà bài hát được bảo hộ
Tác giả của bài hát sẽ được bảo hộ quyền nhân thân và có thể được bảo hộ quyền tài sản theo Điều 19 và Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Điều 19. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm.
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
4. Thời hạn bảo hộ bài hát
Bài hát được bắt đầu bảo hộ quyền tác giả kể từ khi được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Thời hạn bảo hộ bài hát nhìn chung sẽ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo tác giả chết.
Ví dụ: Chị C sáng tác bài hát A và viết bài hát trong tập giấy sáng tác nhạc của mình. Mặc dù chưa được công bố với công chúng và đăng ký bản quyền nhưng bài hát A đã được bảo hộ kể từ khi nó được hoàn thành trên bản giấy.
Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Những quyền tác giả được bảo hộ vô thời hạn:
- Đặt tên cho tác phẩm.
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Những quyền còn lại sẽ được bảo hộ trong thời hạn là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết:
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép tác phẩm;
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
Hy vọng bài viết bảo hộ bài hát hữu ích với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư hành chính tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102