Các bài hát nên được đăng ký bản quyền tác giả trước khi được biểu diễn hay ra mắt công chúng. Thủ tục đăng ký bản quyền bài hát nhằm tránh những tranh chấp pháp lý phát sinh đối với các tác phẩm âm nhạc. Dưới đây là tư vấn về thủ tục đăng ký bản quyền bài hát mới nhất của Luật sư X mà bạn nên tham khảo
Căn cứ pháp lý
Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009;
Nghị định 22/2018/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan được ban hành tạo ra cơ sở pháp lý mới cho thủ tục đăng ký bản quyền bài hát. Theo pháp luật hiện hành; Luật sư X xin tư vấn về thủ tục đăng ký bản quyền bài hát mới và cập nhật nhất.
1. Bài hát được đăng ký bản quyền duới dạng nào?
Bản quyền bài hát được đăng ký dưới dạng bản quyền tác phẩm âm nhạc. Theo đó, bài hát được thể hiện dưới dạng có lời, có nhạc nốt hoặc kí tự âm nhạc; không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Các hình thức thể hiện khác mặc dù không có lời mà chỉ có dạng nhạc nốt trong bản nhạc; hoặc các ký tự âm nhạc khác cũng được đăng ký dưới dạng tác phẩm âm nhạc. Đăng ký bản quyền bài hát chính là việc tác giả khẳng định được quyền của mình đối với bài hát do mình sáng tạo ra thông qua việc đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc.
Hồ sơ đăng ký bản quyền bài hát
Để thực hiện đăng ký hợp lệ, cần chuẩn bị những giấy tờ, hồ sơ cần thiết sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (theo mẫu)
Lưu ý: Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin; tóm tắt nội dung tác phẩm; tên tác giả; thời gian; địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
- 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả (có chữ ký & đóng dấu của tác giả/chủ sở hữu): 01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả; 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
- Chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước/hộ chiếu, đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập…. của chủ sở hữu tác phẩm (bản sao chứng thực)
- Giấy uỷ quyền (nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền);
- Những loại giấy tờ khác theo yêu cầu (tùy thuộc vào tình trạng bài hát được đăng ký)
Thủ tục đăng ký bản quyền bài hát
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và hồ sơ theo quy định
Bước 2: Nộp hồ sơ đã soạn thảo đầy đủ đến cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền bài hát là Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp; hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả; quyền liên quan tại một trong 3 địa chỉ sau:
- Trụ sở Cục Bản quyền tác giả tại Hà Nội: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã; Quận Ba Đình, TP.Hà Nội
- Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu; Quận 3; TP. HCM
- Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Lưu ý: Hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
Bước 3: Nhận kết quả đăng ký bản quyền
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp “Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.Lưu ý: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận là 100.000 đồng đối với các tác phẩm âm nhạc. Mức thu quy định này áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả lần đầu. Bạn có thể gửi khoản phí này kèm hồ sơ đăng ký.Hi vọng những thông tin tham khảo từ Luật sư X có thể phần nào giải đáp được thắc mắc của bạn đọc!
Thông tin liên hệ
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833102102