Bán bóng cười có vi phạm pháp luật hay không?

bởi

Giới trẻ Việt Nam hiện nay đang có sự tiếp xúc và pha trộn giữa những nét văn hóa truyền thống của dân tộc là những phong cách, thiên hướng văn hóa được du nhập ở bên ngoài. Một trong những luồng văn hóa mới đó chính là vấn nạn “chơi” các loại chất kích thích nhằm làm tăng sự khoái lạc cho họ và bóng cười cũng là một trong những số đó. Vậy “bóng cười là gì? Kinh doanh bóng cười có vi phạm pháp luật không? Sau đây, Luật Sư X sẽ giúp bạn giải thích thắc mắc này nhé:

Cơ sở pháp lý

  • Hiến pháp năm 2013;
  • Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017);
  • Luật Đầu tư năm 2014;
  • Luật Phòng chống Ma túy năm 2000 (sửa đổi năm 2008);
  • Nghị định 82/2013/NĐ-CP về danh mục chất ma túy và tiền chất;
  • Nghị định 126/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số quy định của Nghị định 83/2013/NĐ-CP;
  • Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.

Nội dung tư vấn:

1. Bóng cười là gì?

Trước hết chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn một vài thông tin về bóng cười. Bóng cười là khí gây cười, tên hóa học là Dinitơ monoxit hay nitrous oxide, là hợp chất hóa học với công thức N2O. Khi bơm vào bóng bay, gọi là bóng cười (funkyball).

Khí nitrous oxide lan tỏa, ngấm vào cơ thể sẽ tạo cảm giác phấn khích, tạo ảo giác gây cười cho người sử dụng. Trong thực tế, bóng cười ẩn chứa nhiều mối nguy hại mà điển hình nhất là người sử dụng dễ bị ngộ độc khí N2O, dẫn đến ức chế thần kinh và đột quỵ nhẹ. Nghiêm trọng hơn, bóng cười có thể ảnh hưởng xấu đến tim mạch, hệ thần kinh, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến trầm cảm…

2. Bóng cười có phải chất gây nghiện theo quy định của pháp luật hay không?

Thứ nhất, quy định của pháp luật hiện nay về các chất gây nghiện bạn có thể tham khảo tại Bộ luật Hình sự 2015, Luật Phòng, Chống ma tuý 2000 (sửa đổi năm 2008) và một số văn bản hướng thi hành như Nghị định 82/2013/NĐ-CP về danh mục chất ma túy và tiền chất (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 126/2015/NĐ-CP), cụ thể:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định: ma tuý bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao coca, lá, hoa, quả cây cần sa, quả thuốc phiện khô, quả thuốc phiện tươi, heroine, cocaine, các chất ma tuý khác ở thể lỏng hay thể rắn.
  • Luật Phòng, Chống ma tuý 2000 (sửa đổi năm 2008) tại Khoản 2 Điều 1 quy định:

a) Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

b) Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

c) Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

  • Danh mục chất ma túy và tiền chất cũng được quy định cụ thể tại Nghị định 82/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 126/2015/NĐ-CP ), bao gồm 4 danh mục về các chất, tỉềm chất gây nghiện bị cấm hoặc bị hạn chế sử dụng.

Thứ hai, về thành phần của Bóng cười (hay còn gọi là funky ball) thực chất là một quả bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O). Theo quy định của pháp luật, N2O không nằm trong danh mục hóa chất đặc biệt cần quản lí nghiêm ngặt và không phải chất ma túy.

3. Việc kinh doanh bóng cười có vi phạm pháp luật hay không?

Tại Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Tại Điều 6 Luật Đầu tư 2014 thì danh mục ngành nghề cấm kinh doanh gồm có:

a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ.Pháp luật cho mọi người có quyền tự do kinh doanh ngành, nghề pháp luật không cấm. Bóng cười cũng không thuộc ngành, nghề bị cấm kinh doanh theo Luật đầu tư.

Tuy nhiên khí N2O có trong bóng cười lại nằm trong danh mục hàng hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định Phụ lục 2 Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Và nếu bạn vi phạm quy định trong sản xuất, buôn bán và kinh doanh mà bị phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý tại Nghị định 163/2013/ NĐ-CP như sau:

Điều 10. Hành vi vi phạm quy định về Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh

4. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định;

b) Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh” hóa chất.

Do đó về mặt các quy định pháp luật thì bóng cười không phải là một dạng chất gây nghiện và không bị cấm. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng thực tế của bóng cười lên người sử dụng cũng nên được chính người sử dụng cân nhắc.

Hi vọng bài viết sẽ có ích với các bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ đăng ký kinh doanh tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm