Cờ bạc bịp người khác có thể tù chung thân

bởi

Mặc dù cờ bạc đã khiến cho nhiều người tán gia bại sản nhưng nó vẫn có sức hút kỳ lạ, khó bỏ đối với nhiều người. Và bất kỳ con bạc nào cũng muốn mình thắng, vì vậy họ bất chấp mọi cách kể cả sử dụng thủ đoạn, bịp bợm để chiến thắng. Tuy nhiên, hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý. Vậy nếu đánh bạc bịp thắng tiền thì bị tội gì? Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.

Cơ sở pháp lý

Nội dung tư vấn

Chơi cờ bạc trái phép bị xử lý thế nào?

Hậu quả mà bài bạc mang lại cho cá nhân, gia đình và xã hội không kém gì so với ma túy gây ra. Chính vì vậy, hành vi đánh bạc dưới các hình thức như xóc đĩa, tứ sắc… đều bị pháp luật nghiêm cấm và nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc mức độ vi phạm. Cụ thể:

Xử phạt hành chính đối với hành vi chơi cờ bạc trái phép

Căn cứ vào Điều 26 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định về hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa,  tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đen,.. có thể bị xử phạt hành chính với hình phạt là phạt tiền. Tùy thuộc vào hình thức chơi cũng nhưu mức độ vi phạm mà người đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt tiền từ 200.000 – 20.000.000 đồng. Quy định mức xử phạt như sau:

Điều 26: Hành vi đánh bạc trái phép

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;

d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;

b) Che giấu việc đánh bạc trái phép.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:

a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;

b) Dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc;

c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;

d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:

a) Làm chủ lô, đề;

b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;

c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;

d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.

Xử lý hình sự đối với hành vi chơi cờ bạc trái phép

Người thực hiện hành vi đánh bạc trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đánh bạc khi người đó đã từng bị xử lý hành chính về hành vi đánh bạc hoặc giá trị của canh bạc người đó tham gia từ 5.000.000 đồng trở lên. Cụ thể thì tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau: 

Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo đó, người phạm tội đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tùy thuộc vào mức độ hành vi phạm tội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 – 50.000.000 đồng. 

Hiện nay, Việt Nam chỉ cho phép người dân chơi đánh bạc hợp pháp tại những sòng bạc đã được Nhà nước cấp phép và kiểm soát, nếu như bạn muốn đánh bạc để thử vận may hay giải tỏa stress,.. thì nên đến những sòng bạc được Nhà nước cấp phép để không phải vướng vào vòng lao lý. Hiện tại, nước ta có 6 sòng bạc được cấp phép gồm: Casino Đồ Sơn, Casino Hạ Long, Casino Lào Cai, Casino Hồ Tràm Strip (Bà Rịa – Vũng Tàu), Sòng bạc Club Crowne Internatinonal Đà Nẵng, Sòng bạc trong khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô (Huế). 

Dùng cờ bạc bịp để thắng tiền bị xử lý thế nào?

Dù là đánh bạc trái phép hay hợp pháp thì người đánh bạc sử dụng các biện pháp gian lận để thắng tiền sẽ đều coi là hành vi trái pháp luật và được coi là hành vi sử dụng những thủ đoạn gian dối  để chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác và tùy vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt và mức độ của hành vi mà người đó có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Trong đó:

Xử phạt hành chính

Trong trường hợp người chơi cờ bạc bịp thắng được với số tiền giá trị từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc gây mức độ ít nghiêm trọng thì người đó chỉ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây

… c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác; …

Theo đó, người dùng cờ bạc bịp để thắng tiền sẽ có thể bị phạt tiền cao nhất lên đến 2 triệu đồng đối với vụ việc có mức độ ít nghiêm trọng, với số tiền nhỏ.

Xử lý hình sự

Người nào thực hiện các hành vi dùng trò bịp bợm gian lận để thắng tiền trong bài bạc với giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần phải đủ các yếu tố:

  • Chủ thể: Người phạm tội phải có năng lực hành vi hình sự đầy đủ
  • Khách quan: Phải có hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản: người phạm tội cố ý đưa ra các thông tin sai sự thật hoặc sử dụng các thủ đoạn khác để cho người bị hại hiểu sai khiến cho người phạm tội thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
  • Chủ quan: người thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
  • Khách thể: hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quan hệ tài sản, cụ thể là quyền chiếm hữu của người bị hại.

Theo đó, người thực hiện hành vi dùng cờ bạc bịp để thắng tiền đã cố ý dùng những thủ đoạn bịp bợm để lừa người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của người đó. Và người thực hiện hành vi phạm tội này có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến chung thân tùy thuộc vào giá trị tài sản người đó chiếm đoạt. Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng cho hành vi phạm tội của mình.

Như vậy, dùng cờ bạc bịp để thắng tiền thì người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự với tội danh lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp người phạm tội vừa đánh bạc trái phép vừa sử dụng thủ đoạn cờ bạc bịp thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc trái phép và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và mức phạt mà người này đối mặt có thể là tù chung thân. 

Hy vọng những thông tin Luật sư X cung cấp hữu ích với bạn đọc!

Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102

Mời bạn xem thêm: Tụ tập đánh bạc khi giãn cách xã hội có bị đi tù không?

Câu hỏi thường gặp

Đánh bạc là gì?

Đánh bạc là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự được hoặc thua kèm theo việc được hoặc mất lợi ích vật chất đáng kể (tiền, hiện vật hoặc các hình thức tài sản khác).

Sử dụng mạng internet để tổ chức đánh bạc bị xử lý thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 322 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người nào sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Tổ chức đánh bạc bị xử lý thế nào?

Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên; thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm