Có được sử dụng lao động là trẻ em hay không?

bởi Hoàng Hà

Mới đây, việc dư luận phản ứng mạnh mẽ việc phát sóng phim Vợ ba vì cho rằng nữ chính trong phim mới chỉ 13 tuổi nhưng đã phải diễn những cảnh nóng và điều này có thể làm ảnh hưởng tới tâm sinh lý của nữ diễn viên trẻ tuổi. Nhiều người sẽ thắc mắc việc pháp luật quy định thế nào về sử dụng lao động là trẻ vị thành niên, vì vậy bài viết này xin được phân tích khía cạnh sử dụng lao động dưới 18 tuổi.

Căn cứ:

  • Bộ Luật lao động 2012
  • Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017
  • Thông tư số 10/2013/TT-BLĐTBXH

Nội dung tư vấn

Trẻ em sẽ thường được hiểu là người dưới 18 tuổi vì trên 18 tuổi sẽ được coi là tuổi thành niên, có đủ khả năng nhận thức và chịu trách nhiệm. Tất nhiên đối tượng trẻ dưới 18 tuổi luôn là đối tượng đặc biệt và nhạy cảm, do đó pháp luật có những quy định hết sức khắt khe.

1. Được sử dụng lao động dưới 18 tuổi 

Trẻ em là đối tượng cần được giáo dục và bảo vệ một cách chuẩn mực để đảm bảo cho sự phát triển hoàn thiện về mọi mặt như thể chất, nhân cách và tinh thần. Do đó, pháp luật về lao động tuy cho phép việc sử dụng lao động là trẻ vị thành niên, nhưng việc sử dụng những lao động thuộc đối tượng này phải đảm bảo những quy định và điều kiện bắt buộc. Cũng căn cứ vào mỗi lứa tuổi sẽ có những đặc điểm về thể chất, tâm sinh lý khác nhau nên pháp luật về lao động cũng chia những đối tượng là lao động dưới 18 thành 3 nhóm:

  • Nhóm từ 15 tới 18 tuổi
  • Nhóm từ 13 tới 15 tuổi
  • Nhóm dưới 13 tuổi

Về nhóm thứ nhất, từ 15 tới 18 tuổi.

Căn cứ theo các quy định pháp luật dân sự về trẻ vị thành niên, những người từ 15 tới 18 tuổi đã phần nào phát triển đầy đủ về thể chất, sức lực và có khả năng để làm những công việc trong khả năng và pháp luật quy định. Nhưng người này có quyền tự mình tham gia vào các quan hệ lao động và ký kết hợp đồng lao động mà không cần thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, việc lao động có thể phát sinh về tài sản thì những đối tượng này cũng được tự mình quản lý và sử dụng tài sản trong giới hạn pháp luật quy định.

Nhóm thứ 2: từ 13 tới 15 tuổi.

Căn cứ theo điều 164 Bộ Luật lao động 2012 quy định về việc sử dụng người lao động thuộc nhóm đối tượng này như sau:

Điều 164. Sử dụng lao động dưới 15 tuổi

1. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Pháp luật dân sự quy định rằng, những trẻ vị thành niên từ 13 tới 15 tuổi là những đối tượng cần phải có sự giám sát của gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện pháp luật. Do đó, việc ký kết hợp đồng lao động với những đối tượng này phải được thông qua và được chấp thuận bởi người đại diện theo pháp luật của họ. Đồng thời, pháp luật cũng chỉ giới hạn những công việc nhất định mà những người thuộc nhóm này có thể làm. Đó là những công việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi phải lao lực nhiều. Căn cứ theo Danh mục được ban hành kèm theo Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH về những công việc cụ thể mà nhóm này có thể làm đó là: 

1. Những công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc.

2. Các nghề truyền thống: chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, làm giá đỗ, làm bánh đa (miến), làm bánh đa Kế.

3. Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he.

4. Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình.

5. Nuôi tằm.

6. Gói kẹo dừa

Cuối cùng, nhóm dưới 13 tuổi.

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 164 Bộ Luật lao động 2012 quy định như sau:

Điều 164. Sử dụng lao động dưới 15 tuổi.

3. Không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc trừ một số công việc cụ thể do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Ở đây, pháp luật cho phép một số trường hợp đặc biệt sẽ được sử dụng người lao động dưới 13 tuổi, thông thường là những công việc về văn hóa, thể thao, nghệ thuật đòi hỏi tính năng khiếu. Cụ thể những công việc nhóm đối tượng này được phép làm được quy định tại Danh mục được ban hành kèm theo Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH, đó là:

1. Diễn viên: múa; hát; xiếc; điện ảnh; sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước).

2. Vận động viên năng khiếu: thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền.

Quay về với bộ phim Vợ ba đang được dự luận quan tâm. Có thể thấy rằng việc đơn vị sản xuất phim sử dụng diễn viên mới 13 tuổi tham gia đóng phim là hoàn toàn hợp pháp.

2. Điều kiện khi sử dụng những lao động chưa thành niên

Để bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong các mối quan hệ lao động, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh và toàn diện của trẻ vị thành niên trong quá trình lao động. Pháp luật đã quy định những nguyên tắc, điều kiện nghiêm ngặt đối với việc sử dụng lao động là trẻ vị thành niên. Căn cứ Điều 165 Bộ Luật lao động 2012 quy định cụ thể như sau:

Điều 165. Các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên

1. Cấm sử dụng người chưa thành niên làm các công việc sau đây:

a) Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên;

b) Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ;

c) Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc;

d) Phá dỡ các công trình xây dựng;

đ) Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;

e) Lặn biển, đánh bắt cá xa bờ;

g) Công việc khác gây tổn hại cho sức khoẻ, an toàn hoặc đạo đức của người chưa thành niên.

2. Cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc ở các nơi sau đây:

a) Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;

b) Công trường xây dựng;

c) Cơ sở giết mổ gia súc;

d) Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp;

đ) Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khoẻ, sự an toàn và đạo đức của người chưa thành niên.

Ngoài ra, Bộ lao động thương binh và xã hội đã có những quy chuẩn và danh mục những ngành nghề cấm sử dụng người dưới 18 tuổi làm việc được cụ thể hóa trong Thông tư số 10/2013/TT-BLDTBXH. Như vậy để sử dụng lao động là người dưới 18 tuổi sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với trường hợp thông thường.

3. Xử phạt

Những người sử dụng lao động đối với những lao động là trẻ vị thành niên mà không tuân thủ những quy định của pháp luật nêu trên thì sẽ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Xử phạt hành chính 

Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 95/2013 quy định về sử phạt những hành vi vi phạm quy định khi sử dụng lao động là trẻ vị thành niên

Điều 19. Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên

1. Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật;

b) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Khoản 2 Điều 163 của Bộ luật Lao động;

c) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, tại nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật Lao động;

b) Sử dụng người dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 164 của Bộ luật Lao động.

Như vây, sẽ căn cứ theo tùy từng trường hợp vi phạm mà áp dụng những mức xử phạt hành chính khác nhau từ phạt cảnh cáo tới phạt tiền cao nhất là 25.000.000 đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Đối với việc sử dụng lao động trái với quy định pháp luật về độ tuổi lao động và môi trường, điều kiện làm việc không đảm bảo đối với những người lao động là trẻ vị thành niên thì căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm áp dụng những hình phạt tiền và phạt tù thích đáng. Cụ thể, tại Điều 296 Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định như sau:

Điều 296. Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi

1. Người nào sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Làm chết người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tóm lại, việc sử dụng lao động là trẻ vị thành niên là được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải cân nhắc và tìm hiểu kỹ những quy định và điều kiện nêu trên trước khi ký kết hợp đồng lao động với những đối tượng này. Bên cạnh đó cũng phải lưu ý tuân thủ những quy định trong suốt quá trình sử dụng những lao động là trẻ vị thành niên để vừa đảm bảo cho sự phát triển của trẻ vị thành niên cũng như tránh những hình phạt đáng tiếc khi vi phạm pháp luật.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm